Tồi tệ hơn, một lính thủy đánh bộ Nga cũng bị bắn chết khi thực hiện nhiệm vụ giải cứu hai phi công của Su-24.
Vụ việc trên càng khiến nhiệm vụ của Tổng thống Pháp Francois Hollande khi tới Moscow và Washington tuần này thêm khó khăn khi nhiệm vụ chính của ông là thúc đẩy hình thành liên minh quân sự chống IS.
Đáp lại, Tổng thống Vladimir Putin coi việc bắn hạ máy bay Nga là hành động “đâm sau lưng” và cam kết sẽ đáp trả đích đáng.
Một lần nữa, những sự kiện không ngờ tiếp tục ngăn cản các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết thành công cuộc khủng hoảng ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vốn đứng bên lề khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu diễn ra.
Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan quay lưng lại với đồng minh cũ của mình là Tổng Thống Syria Bashar al-Assad thì ông cũng không còn mặn mà với Putin.
Tổng thống Erdogan dẫn đầu một chiến dịch cô lập Assad và hỗ trợ các tổ chức cũng như các nhóm vũ trang với mục đích lật đổ chế độ ông Assad. Điều này trái ngược với Nga, vốn có mối quan hệ lâu dài với Syria.
Bất chấp những quan điểm bất đồng về chế độ Assad, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã khá thành công trong việc loại bỏ những khác biệt và duy trì mối quan hệ thân thiết, cũng giống như Ankara làm được với một đồng minh Syria khác là Iran.
Dù Moscow và Ankara có một mối quan hệ phức tạp kéo dài hàng thế kỷ nhưng các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là các doanh nghiệp mới được xây dựng đã làm rất tốt khi bắt tay với Nga.
Quan trọng hơn, Thổ Nhĩ Kỳ còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong khi Nga cũng dựa vào lượng nhập khẩu dầu mỏ từ khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên quan hệ này không yên ổn được bao lâu khi Nga quyết định can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria cuối tháng 9 vừa qua.
Moscow không chỉ không kích vào các cơ sở của IS mà còn hỗ trợ cho chính quyền Assad tăng cường sức mạnh. Ankara cho rằng hành động này của Nga là nhằm vào các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là vào IS.
Và vụ việc máy bay Su-24 bị bắn hạ hôm qua một lần nữa khiến căng thẳng giữa hai nước thêm leo thang. Tổng thống Putin cam kết sẽ trả đũa và những gì thế giới chứng kiến trong 18 tháng qua có thể thấy Putin là người đã nói là làm.
Vấn đề đối với ông Putin chỉ là việc ấn định thời gian thích hợp. Sau nhiều tháng “nén cơn giận”, cuộc khủng hoảng ở Ukraine dường như lại bùng nổ lần nữa khi sự việc mất điện ở khu vực Kherson đã khiến Crimea chìm trong bóng tối.
Thực tế, mặc dù Crimea đã sát nhập vào Nga nhưng bán đảo này vẫn phụ thuộc vào Ukraine về vấn đề điện năng trong khi Nga còn phải mất nhiều năm nữa mới có thể xây dựng được nhà máy năng lượng thay thế cho Crimea.
Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov cho rằng hành động tấn công trạm điện ở Kherson là một vụ tấn công khủng bố và hiện chưa biết khi nào điện ở đây sẽ được khôi phục.
Những diễn biến trong 24h qua đặc biệt khiến cho cơ hội bắt tay giữa Nga và phương Tây thêm khó khăn. Tổng thống Pháp Hollande sẽ khó có thể thu hẹp khoảng cách giữa Moscow và Washington đối với những vấn đề chính.
Các nhà phân tích vẫn chưa rõ Putin dự định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào nhưng có thể khẳng định rằng Nga sẽ tăng cường tấn công vào Ankara và các đồng minh Mỹ ở Syria cũng như tiêu diệt bất kỳ lực lượng nào đứng đằng sau IS.
Thêm vào đó, ông Putin có thể tác động tới mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, ví dụ như Bộ Ngoại giao Nga đã khuyến cáo người dân nước này không nên đi du lịch tới Ankara.
Câu hỏi đặt ra là ông Putin muốn sự việc sẽ đi bao xa bởi nếu ông lặp lại con đường giống như Ukraine và Liên minh châu Âu thì có thể những cấm vận kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Nga rơi vào tình trạng tồi tệ hơn.
Tất cả những lập luận trên chỉ cho thấy một điều rằng kẻ hưởng lợi ở đây không ai khác chính là Tổng thống Syria.
Sau cùng, một trong những kẻ thù hàng đầu của Damascus là Ankara giờ đây đã “gây thù chuốc oán” với đồng minh mạnh nhất của mình là Moscow.
Cho đến nay, chưa một quốc gia nào đưa ra được kế hoạch cụ thể để tiêu diệt mối đe dọa từ IS hay giúp Syria thoát khỏi nội chiến.
Việc bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga hôm 24/11 cũng không thay đổi được điều gì mà thậm chí còn khiến viễn cảnh các cường quốc đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt khủng hoảng càng trở nên xa vời.