Theo Nhà Trắng, ông Obama sẽ đi qua bốn nước, bao gồm ba đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Nhật, Hàn Quốc và Philippines, cùng Malaysia. Cả bốn nước này đều có những tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông. “Trung Quốc sẽ là chủ đề chung của cả chuyến đi” - AFP dẫn lời chuyên gia Christopher Johnson thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định.
Đây là lần đầu tiên ông Obama trở lại châu Á sau khi Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, gây phản ứng dữ dội trong khu vực. Một số nhà quan sát nhận định với chuyến đi này, các nhà lãnh đạo châu Á “sẽ đánh giá ông Obama sẵn lòng tới đâu trong việc ủng hộ họ một khi các cuộc xung đột lãnh thổ bùng nổ”.
Nguyên tắc không đe dọa
Trước đó qua Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Mỹ đã thể hiện lập trường rõ ràng hơn về các tranh chấp lãnh thổ châu Á. Đến thăm Trung Quốc, ông Hagel cảnh báo Bắc Kinh về việc sử dụng sức mạnh quân sự và một lần nữa nhấn mạnh Mỹ sẽ bảo vệ Nhật khi xung đột xảy ra. Mới đây, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng cho biết trong chuyến đi, ông Obama sẽ nói rõ quan điểm phải giải quyết xung đột lãnh thổ bằng các phương tiện ngoại giao dựa trên luật pháp, đặc biệt là luật biển, thay vì những lời đe dọa hay hành vi cưỡng ép.
Nhà phân tích Douglas Paal thuộc Tổ chức hòa bình quốc tế Carnegie đánh giá Trung Quốc đang “tự đá phản lưới nhà” trong quan hệ với khu vực khi lập ADIZ trên biển Hoa Đông, đầu tư dồn dập vào quốc phòng hay gây mâu thuẫn với Malaysia trong vụ máy bay mất tích. Và với chuyến đi của ông Obama, phía Mỹ muốn tận dụng những cú vấp đó của Bắc Kinh.
Sau khi Nga giành bán đảo Crimea từ Ukraine, dư luận khu vực lo ngại Trung Quốc có thể sẽ học Matxcơva để giải quyết các tranh chấp chủ quyền. Nhật là nước đầu tiên lên tiếng bày tỏ sự quan ngại. “Chứng kiến những gì xảy ra ở Ukraine, chúng ta có thể thấy rằng sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng là không thể chấp nhận” - Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định trong một cuộc gặp với ông Hagel.
Chuyên gia Paal cho biết các nước khu vực cũng nghi ngờ việc Mỹ quyết tâm thực hiện cam kết an ninh ở châu Á khi căng thẳng ở châu Âu đang leo thang vì khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, báo Washington Post dẫn lời một số cố vấn của ông Obama khẳng định đây không phải là một vấn đề đáng báo động. Bởi chính Trung Quốc cũng rất quan ngại về việc Crimea tách ra khỏi Ukraine do Bắc Kinh đang đau đầu vì những nhóm sắc tộc thiểu số đòi ly khai ở các vùng biên giới.
Mục tiêu thương mại
Chuyến công du châu Á tám ngày của ông Obama cũng là dịp để ông bù đắp cho chuyến đi mà ông đã hủy vào mùa thu năm ngoái vì Chính phủ Mỹ bị đóng cửa. Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Obama sẽ tới Nhật vào ngày 23-4. Ngoài an ninh, thương mại sẽ là đề tài nóng tại Nhật. Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ cả Tokyo và Washington đều muốn giảm bớt các rào cản thị trường của nhau trong những ngành sản xuất xe hơi và nông nghiệp, vốn đã làm trì hoãn các cuộc thương lượng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ở Seoul, ông Obama sẽ hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, tập trung vào tình hình CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cũng muốn dàn hòa các căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật. Sau đó ông sẽ tới Malaysia vào ngày 26-4, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm nước này kể từ Lyndon Johnson năm 1966. Ông sẽ hội đàm với Thủ tướng Najib Razak và chủ trì một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo trẻ của khu vực Đông Nam Á tại Đại học Malaya.
Ngày 28-4, ông Obama sẽ tới Philippines và gặp Tổng thống Benigno Aquino. Ngay trước chuyến đi của ông Obama, Washington và Manila đã kịp hoàn tất một thỏa thuận an ninh mới cho phép quân đội Mỹ chia sẻ các căn cứ của quân đội Philippines vì mục đích đảm bảo an ninh hàng hải và nhân đạo. Ông Obama sẽ ký chính thức thỏa thuận này trong chuyến thăm Manila. Thỏa thuận cũng bao gồm việc Mỹ tăng hỗ trợ cho hải quân Philippines.