Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington - Mỹ hôm 21-8, cả Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey cho biết Nhà nước Hồi giáo (IS) đã vượt qua tất cả những nhóm khủng bố trước đây để trở thành mối đe dọa mà Washington chưa từng biết đến kể từ khi xảy ra thảm họa 11-9-2001.
Theo họ, IS không chỉ là một nhóm khủng bố mà còn là một lực lượng vũ trang có tổ chức với nguồn tài chính dồi dào.
Ông Hagel nhận định các cuộc không kích của Mỹ đã ngăn chặn đà tiến của IS ở Iraq nhưng nhóm này có thể tái tập hợp và không loại trừ khả năng chúng tấn công bên trong lãnh thổ Mỹ.
Trong khi đó, ông Dempsey nhấn mạnh không thể đánh bại IS nếu không tấn công căn cứ của chúng ở Syria. Theo đài CNN, phát biểu trên cho thấy Mỹ đang để ngỏ khả năng công kích các tay súng IS ở Syria dù 2 quan chức trên khẳng định các vụ ném bom hiện vẫn gói gọn ở Iraq.
Giới truyền thông Mỹ nhận định cục diện trên đã vô tình đặt Mỹ vào lựa chọn khó khăn: đứng cùng chiến tuyến với Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống lại kẻ thù chung IS. Đây là điều ít ai ngờ vì một năm trước, Mỹ đã lên án Damascus sử dụng vũ khí hóa học và kèm theo đe dọa can thiệp quân sự.
“Chính quyền của Tổng thống Barack Obama không thể công khai bắt tay ông Assad vào lúc này nhưng xét về logic, đường lối chính sách của Nhà Trắng ở Syria đang dẫn dắt Washington đi theo con đường ấy” - ông Tony Badran, nhà nghiên cứu về Syria và Hezbollah tại Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ (Mỹ), nhận định với đài Fox News.
Tương tự, Ghaleb Kandil - một phóng viên người Lebanon có quan hệ gần gũi với chính phủ Syria - cho rằng phương Tây sớm muộn gì cũng phải làm việc với ông Assad nếu muốn đối phó IS. Để đổi lấy sự hợp tác này, theo Kandil, ông Assad sẽ đòi hỏi sự công nhận đầy đủ về chính trị.
Chính quyền Mỹ cho đến giờ vẫn không thay đổi mục tiêu ông Assad phải ra đi. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf bác bỏ nhận định Mỹ và Syria ở cùng phe, đồng thời cho rằng chính Damascus phải chịu trách nhiệm cho sự trỗi dậy của IS. Tuy nhiên, bà thừa nhận hai bên có thể có chung một số mục tiêu.
Khác với thái độ cứng rắn dành cho Syria, Mỹ tỏ ý sẵn sàng làm việc với Iran dù Tehran đang là đồng minh hàng đầu của Damascus. Bà Harf nói: “Nếu họ quan tâm đến việc tiêu diệt IS thì chúng tôi có thể thảo luận vấn đề này”.
Phía Tehran cũng có vẻ hưởng ứng nhưng lại đòi phương Tây dỡ bỏ cấm vận. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói với hãng tin IRNA: “Toàn bộ lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran phải được dỡ bỏ để đổi lấy sự giúp đỡ của chúng tôi ở Iraq”.
Nhận định về thái độ trên của Mỹ, ông Eyal Zisser - một chuyên gia về Trung Đông tại Trường ĐH Tel Aviv (Israel) - nói với báo The Jerusalem Post rằng phương Tây đang tỏ ra bất lực và không biết làm gì để loại trừ IS. Ông lo ngại phương Tây rốt cuộc không còn lựa chọn nào khác ngoài bắt tay với Syria và nhượng bộ Iran dưới chiêu bài chống khủng bố.
Khả năng này đang gây không ít lo ngại. Cựu đại sứ Mỹ ở Syria Robert Ford cho rằng ông Assad là người mà Washington không nên liên kết bởi chế độ của ông từng bí mật hợp tác với Al-Qaeda.
Tổ chức IS khát dầu
Sự tàn bạo của IS làm thế giới phẫn nộ và cơn khát dầu mỏ của tổ chức này có thể khiến nền kinh tế thế giới lâm vào thảm họa.
Theo kênh Fox News, IS hiện kiểm soát 7 khu khai thác dầu mỏ và 2 nhà máy lọc dầu nhỏ ở Bắc Iraq - với tiềm lực sản xuất 80.000 thùng dầu/ngày, thu lợi 2 triệu USD/ngày bằng cách bán 40.000 thùng dầu qua các trung gian.
Ông Luay al-Khatteeb, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Viện Năng lượng Iraq, cho biết giá 1 thùng dầu trên thị trường đen là 25-60 USD so với giá chính thức 102 USD/thùng. Báo Asharq Al-Awsat cho rằng sản lượng của các giếng dầu do IS kiểm soát tuy chẳng là bao so với toàn cầu nhưng nó giúp tổ chức cực đoan này tự lực về tài chính.
Trong lúc sản lượng dầu toàn cầu giảm sút đáng kể, nguồn lợi vàng đen kể trên sẽ tiếp tục chảy vào ngân quỹ của IS nếu không được kiểm soát. Vừa qua, Bộ Dầu mỏ Iraq khuyến cáo bất cứ thương vụ mua dầu nào ở Iraq không được phép của chính quyền đều có thể bị coi là tài trợ cho IS và lãnh sự trừng phạt.
Trước mắt, nguy cơ IS tiến đến các giếng dầu ở miền Nam Iraq rất đáng lo ngại. Còn về lâu dài, ông Denise Natali - Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Mỹ - xác nhận một trong những mục tiêu của IS là chiếm bán đảo Ả Rập, nơi có nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ.
Còn 20 con tin phương Tây
IS được cho là đang cầm giữ khoảng 20 con tin phương Tây, làm dấy lên lo ngại họ có thể là nạn nhân tiếp theo trong các vụ hành quyết.
Trong khi đó, theo các nguồn tin tình báo Anh, một bác sĩ ở phía Đông London tên Shajul Islam nhiều khả năng sẽ là nhân tố then chốt trong việc nhận dạng kẻ hành quyết nhà báo Mỹ James Foley. Bác sĩ này từng bị bắt và truy tố về tội bắt cóc phóng viên Anh John Cantlie vào năm 2012 nhưng được tòa phóng thích vì Cantlie không đưa ra được bằng chứng.
Theo báo The Independent, em trai của bác sĩ này, Razul Islam, hiện nằm trong danh sách các tín đồ Hồi giáo quốc tịch Anh mà lực lượng an ninh đang đối chiếu với đặc điểm của gã đao phủ chặt đầu ông Foley trong đoạn video.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21-8 cho biết khoảng 12.000 tay súng từ 50 nước, trong đó có người Mỹ, đã đến tham chiến tại Syria kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.