Chuyên gia hàng không TG nói gì về vụ máy bay Malaysia mất tích?

My Lan |

(Soha.vn) - Các chuyên gia hàng không trên thế giới đều chưa thể lí giải được sự mất tích khó hiểu của chiếc Boeing 777, loại máy bay được cho là an toàn nhất hiện nay.

Tờ The Guardian cho rằng các chuyên gia hàng không trên thế giới đều tỏ ra ngạc nhiên với sự cố mà chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines gặp phải.

Tờ này dẫn lời ông Mohan Rangathan, một chuyên gia tư vấn về an toàn hàng không tại Uỷ ban Tư vấn An toàn Hàng không Dân dụng Ấn Độ cho rằng, việc một chiếc máy bay không hề có dấu hiệu gặp vấn đề trước đó, mà lại hoàn toàn mất liên lạc là điều "rất, rất hiếm". "Tôi rất ngạc nhiên. Boeing 777 là loại máy bay rất an toàn".

Trong khi đó, ông Neil Hansford, Chủ tịch hãng tư vấn Giải pháp Hàng không Chiến lược (SASI), cựu giám đốc điều hành vận tải hàng không, nhận định về Boeing 777: "Đây có lẽ là một trong những máy bay an toàn nhất trong lịch sử hàng không".

Ông này cho rằng, đã có khoảng 1.000 chiếc máy bay loại này được sản xuất và chỉ có 60 vụ tai nạn liên quan tới chúng được báo cáo, song hầu hết đều rất nhỏ. Theo ông, "nếu mất một động cơ trong chuyến đi thì nó cũng không thể rơi", và khả năng cả 2 động cơ cùng hỏng một lúc là rất thấp.

Cựu Tổng thanh tra Bộ Giao Thông Vận tải Mỹ Mary Schiavo nhận định rằng, với hệ thống thông tin liên lạc hiện đại mà chiếc Boeing 777 được trang bị, "khó có khả năng nó đã hạ cánh ở đâu đó không thể liên lạc được. Máy bay này có rất nhiều cách để có thể xác định được vị trí: Hệ thống phát tín hiệu tự động cho phép bạn biết mình đang ở đâu. Có một số cách để có thể liên lạc với nó qua GPS và sóng vô tuyến cũng như hệ thống liên lạc máy tính trong buồng lái... Tuy nhiên, việc không có thông tin liên lạc cho thấy có điều gì đó không lành đã xảy ra".

Trong khi đó, CNN dẫn lời chuyên gia hàng không Richard Quest nhận định rằng, máy bay đã mất tích vào thời điểm an toàn nhất trong hành trình bay.

Trả lời phỏng vấn CNN, Greg Feith, cựu điều tra viên Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cho rằng phi công nhẽ ra đã có thể báo cáo được ngay cả khi động cơ trong máy bay bị hỏng.

"Chiếc máy bay này được chứng nhận là có máy phát điện dự phòng - họ vẫn có thể tận dụng các công cụ trên máy bay và các phương tiện liên lạc để hoàn thành chuyến bay một cách an toàn".

"Nếu mất cả 2 động cơ, bạn có thể bỏ cả 2 và sử dụng máy phát điện dự phòng dành cho các trường hợp khẩn cấp - nó chỉ có thể hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định".

Ông Feith đưa ra giả thuyết rằng trong trường hợp này, có thể máy bay đã gặp vấn đề với hệ thống điều áp và như vậy, nó khó có thể hạ cánh khẩn cấp.

Theo tờ The Guardian, một chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines cũng từng gặp trục trặc khi bay từ Perth tới Kuala Lumpur tháng 8/2005. Khi đang bay ở độ cao 11,580 m trên biển Ấn Độ Dương, phần mềm trên máy bay đã tính toán sai vận tốc và gia tốc, khiến cho máy bay bất ngờ rơi xuống mức độ cao 915 mét. Tuy nhiên, phi công đã kịp thời bỏ chế độ lái tự động và hạ độ cao rồi hạ cánh an toàn trở lại Perth.

Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Ailines đã mất liên lạc hoàn toàn khoảng 2 tiếng sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur qua Việt Nam tới Bắc Kinh.

Các quan chức Malaysia và Malaysia Airlines hiện vẫn bác tin chiếc máy bay bị rơi và cho rằng, nhiều khả năng nó đã hạ cánh khẩn cấp trên một hòn đảo của Việt Nam. Công tác điều tra, tìm kiếm cứu hộ đã được Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ triển khai.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại