Theo Korea Joongang Daily, nguyên nhân trước tiên dẫn tới cuộc thanh trừng ông Jang Song Thaek đó là nhân vật từng nắm vị trí số 2 trong ban lãnh đạo Triều Tiên này đã có dấu hiệu lạm quyền trong chuyến thăm tới Trung Quốc hồi tháng 8-2012. Khi đó, ông được cho là đã cố tình làm ngơ trước những mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và nỗ lực tìm kiếm sự trợ giúp của Bắc Kinh nhằm củng cố vị trí của mình.
Lúc bấy giờ, ông Jang tới Bắc Kinh với tư cách là đặc phái viên của người cháu trai Kim Jong Un. Tờ JoongAng Ilbo dẫn lời một quan chức am hiểu các vấn đề về Triều Tiên cho biết ông Jang được giao nhiệm vụ tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, trong suốt chuyến công du, vị đặc phái viên lại tìm cách thúc đẩy quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc, thay vì tập trung vào mục đích chính theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
“Trong cuộc họp với các quan chức Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ - ông Hồ Cẩm Đào, ông Jang Song Thaek chỉ tập trung bàn vấn đề thu hút đầu tư của Trung Quốc vào các đặc khu kinh tế của Triều Tiên cũng như vấn đề tăng cường xuất khẩu các khoáng sản của Triều Tiên…
Vốn là một chính trị gia thân Bắc Kinh, ông Jang còn kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ củng cố vị thế của bản thân” – quan chức nói trên cho hay.
Ngay sau chuyến đi, mọi động thái của ông Jang ở Trung Quốc đã được phản ánh tới Kim Jong Un và nhà lãnh đạo trẻ tỏ ra rất tức giận. Đó là lý do ông Kim cử Choe Ryong-hae, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên, tới Trung Quốc vào tháng 5-2013.
Ông Choe tuyên bố rõ ràng rằng ông là người được Kim Jong Un ủy quyền trực tiếp. Tuy nhiên, Bắc Kinh tỏ ra khá lạnh lùng đối với ông Choe. Khác với thái độ săn đón như đối với ông Jang, ông Choe phải đợi nhiều ngày mới được phép gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Một nhân tố nữa khiến ông Jang bị thất sủng được cho là do âm mưu kiểm soát các hoạt động ngoại hối khiến nhiều quan chức quân sự và Đảng Lao động Triều Tiên quay lưng lại với ông.