Vu cáo trắng trợn
Trong bài phỏng vấn với BBC, ông Rainsy một lần nữa khẳng định quan điểm “Trung Quốc là đồng minh quý báu của Campuchia và ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông”.
Không dừng lại ở đó, chính trị gia vừa trở về Campuchia sau một thời gian dài sống lưu vong ở nước ngoài để trốn tránh án tù vì những hành vi vi phạm luật pháp của mình còn trắng trợn vu cáo, bôi nhọ Việt Nam, bóp méo hoàn toàn sự thật lịch sử về quan hệ Việt Nam - Campuchia.
Sam Rainsy
Trong bài trả lời phỏng vấn BBC, Rainsy trơ tráo cho rằng “Hà Nội từng lấn chiếm đất đai của Campuchia, Hà Nội cũng chiếm các đảo của Trung Quốc.”
Giới quan sát quốc tế cho rằng, vì muốn tranh thủ sự ủng hộ của một bộ phận cử tri Campuchia thiếu thông tin để kiếm thêm phiếu bầu sau nhiều lần thất bại, ông Rainsy đã không từ bất cứ thủ đoạn nào, trong đó, trọng tâm là chiêu bài vu cáo Việt Nam xâm chiếm Campuchia, đồng thời kêu gọi xua đuổi cộng đồng người Việt ra khỏi lãnh thổ nước này.
Chiêu bẩn để kiếm phiếu bầu
Các khẩu hiệu bài xích, phân biệt chủng tộc đối với người Việt Nam được Sam Rainsy sử dụng liên tục trong các phát biểu tranh cử, và càng ngày, những khẩu hiệu này càng hung hãn hơn, trơ tráo hơn, sai trái hơn.
Năm 1998, khi vận động tranh cử trước khoảng 400 người ở Wat Phnom Leav, ông Rainsy hứa hẹn “Nếu thắng cử, tôi sẽ xua hết người yuon nhập cư về nước”. ‘Yuon’ là danh từ miệt thị chỉ người Việt Nam ở Campuchia.
Cuối tháng 7 vừa qua, khi vừa chân ướt chân ráo về nước nhờ lệnh ân xá của Quốc vương Norodom Sihamoni theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen, trên tinh thần “hòa giải và thống nhất dân tộc nhằm tiến tới cuộc bầu cử dân chủ, tự do và công bằng”, ông Rainsy đã lập tức tổ chức một cuộc vận động tranh cử ở tỉnh Svay Rieng mà thông điệp chính là bài xích người Việt Nam.
Trong cuộc vận động này, Rainsy trắng trợn vu cáo “Nhiều người yuon đã đến đây. Chúng di dời các cột mốc biên giới vào lãnh thổ chúng ta… Hãy bỏ phiếu cho Rainsy để bảo vệ lãnh thổ Campuchia”.
Trả lời phỏng vấn BBC, khi được hỏi về việc sử dụng từ ‘yuon’ để nói về người Việt Nam, Rainsy thừa nhận, nhưng lại cho rằng từ đó không có nghĩa miệt thị.
Đây chỉ là biện minh vụng về, vì chính trong nhiều bài viết trên các báo xuất bản ở Campuchia như Cambodia Daily, Phnom Penh Post, từ ‘yuon’ được mô tả là một từ mang nghĩa xấu, có ý phân biệt chủng tộc.
Là một người có học, từng tốt nghiệp một số trường danh tiếng ở Pháp, hẳn ông Rainsy phải hiểu hơn ai hết rằng những từ ngữ, phát ngôn như vậy sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực như thế nào. Nhưng để đạt mục đích, chính trị gia này đã bất chấp tất cả, sẵn sàng chà đạp lên sự thật, trở mặt với chính lịch sử của dân tộc mình. Khmer Đỏ là ai? Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia như thế nào trong quá khứ? Hẳn một trí thức, một chính trị gia lăn lộn nhiều năm trên chính trường như Sam Rainsy không thể không biết.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!