Tổng thống Barack Obama trông có vẻ can trường vào này 1/10, khi chính phủ Mỹ lần đầu tiên đóng cửa trong vòng 17 năm qua. Một số cuộc khảo sát ý kiến cho thấy các thành viên Cộng hòa bị ảnh hưởng xấu nhiều hơn ông Obama hoặc phe Dân chủ về sự kiện này.
Một cuộc thăm dò của Quinnipiac công bố ngày 1/10 cho thấy, 72% người Mỹ được hỏi phản đối việc Quốc hội đóng cửa Chính phủ trong nỗ lực loại bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Affordable Care Act - ACA), ngay cả khi một nửa dân chúng Mỹ không thích luật mới này.
Theo kết quả thăm dò, phe Cộng hòa ở Quốc hội chỉ nhận được tỷ số tín nhiệm công việc ở mức 17% trong khi đảng Dân chủ nhận được 32% còn Obama là 45%.
Nhưng mặc dù dư luận đứng về phía Obama trong vụ chính phủ phải đóng cửa thì điều đó không có nghĩa là ông sẽ thoát ra khỏi hiện trạng này một cách bình yên vô sự. Trên thực tế, Tổng thống Mỹ nhiều khả năng phải chịu một số rủi ro, khi người Mỹ hướng sự chú ý về thủ đô và chứng kiến một mớ bòng bong bất thường.
"Nói chung, việc chính phủ ngưng hoạt động làm tổn hại đến tất cả mọi người", Peter Hanson - một nhà khoa học chính trị tại Đại học Denver nhận xét. "Vì vậy, tác động chính của nó là khiến cho người dân thất vọng. Và đơn giản là họ sẽ đổ lỗi cho Washington, có nghĩa là nó sẽ đụng chạm đến cả Quốc hội và Tổng thống".
Tuy nhiên, các bên không nhất thiết phải chịu tổn hại như nhau. Obama có một số lợi thế. Là Tổng thống, ông có thể tận dụng các lợi thế diễn thuyết của mình - phòng họp Nhà Trắng, phòng Nội các, Vườn Hồng - để dẫn dắt sự chú ý của báo chí và công chúng, và phóng tỏa quyền lực.
Trong những bình luận ở Vườn Hồng chiều ngày 1/10, ông Obama tiếp tục hồi trống công kích phe Cộng hòa về việc chính phủ phải đóng cửa. "Họ đã đóng cửa chính phủ bằng một cuộc vận động ý thức hệ nhằm từ chối bảo hiểm y tế hợp túi tiền cho hàng triệu người Mỹ. Nói cách khác, họ đòi tiền chuộc chỉ để làm công việc của mình".
Giới phân tích đã lục lại lịch sử những lần chính phủ Mỹ đóng cửa, chẳng hạn như dưới thời Tổng thống Bill Clinton và Ronald Reagan, và xem cách tổng thống thoát ra.
Nhưng lần này khác xa so với quá khứ. Obama không hăng hái làm việc với ban lãnh đạo Cộng hòa ở Hạ viện để khơi thông bế tắc. Lãnh đạo đa số Thượng viện, Harry Reid (Dân chủ) phục vụ lợi ích của Tổng thống ở cơ quan này. Thêm vào đó là những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Cộng hòa - những người ủng hộ ACA và những người không ủng hộ.
Cách tiếp cận ở Vườn Hồng của Obama có thể chia làm 2 kiểu: Nó sẽ giữ cho ông vượt lên trên xung đột, chứng tỏ ông không tin mình sẽ thương lượng về một điều luật mà đã vượt qua cửa ải Quốc hội, đã được ký và được Tòa án Tối cao tán thành.
Nhưng nếu tình trạng ngưng hoạt động không dừng lại ở con số vài ngày và ông vẫn "án binh bất động" ở số 1600 Đại lộ Pennsylvania thì Obama có thể trông giống như một người thờ ơ và thiếu lòng trắc ẩn. Hoặc ít nhất thì người dân sẽ nhìn nhận ông theo cách đó.
Và Obama còn hứng chịu nhiều rủi ro khác nữa. Ông sẽ không có được sự tín nhiệm công việc như những người tiền nhiệm và đang chỉ đạo với một nền kinh tế yếu kém hơn. Chính phủ ngừng hoạt động càng lâu thì càng gây thiệt hại về việc làm và tăng trưởng kinh tế - điều chưa bao giờ tốt đẹp với một vị Tổng thống.
Obama và phe Cộng hòa cũng đối mặt với một nguy cơ lớn hơn - bắt nguồn từ việc không giải quyết rốt ráo tình trạng thiếu cân bằng tài chính dài hạn của đất nước - khi Washington tê liệt và Quốc hội cần phải nâng trần nợ vào ngày 17/10. Đối với Obama, rủi ro nữa là vị thế của ông trong lịch sử.