Bà Satinah Binti Jumadi Ahmad, 41 tuổi, người vùng Trung Java của Indonesia, bị tòa án ở Saudi Arabia kết án tử hình năm 2011 vì giết chủ của mình bốn năm trước đó và bỏ chạy cùng số tiền 37.970 riyal (khoảng 10.125 USD) của gia chủ. Theo lịch, bà Satinah bị tử hình bằng hình thức chém đầu vào ngày 4-4.
Theo luật Hồi giáo sharia, gia đình nạn nhân có thể đưa ra mức “tiền máu” (hay còn gọi là diyat) để đổi lại việc thủ phạm được tha chết. Trong vụ này, gia đình người chủ đã đưa ra con số 15 triệu riyal vào năm 2011 nhưng sau đó Chính phủ Indonesia đã tìm cách đàm phán để giảm số tiền này xuống 7 triệu riyal (1,9 triệu USD). Trong số này 5 triệu riyal được trả ngay, còn 2 triệu riyal sẽ được trả trong vòng hai năm. Gia đình này đã đồng ý mức “tiền máu” mới.
Trước đó, một chiến dịch kêu gọi góp tiền giải cứu Satinah đã được vận động trên mạng xã hội với sự tiên phong của nhiều người nổi tiếng, công chức và các nhà hoạt động. Theo The Jakarta Globe, chiến dịch đã quyên góp được 2,8 tỉ rupiah Indonesia (khoảng 246.400 USD). Đóng góp từ giới kinh doanh và một nhóm đại diện các công ty xuất khẩu lao động cũng chỉ được 4 triệu riyal.
Vào phút chót, như AFP cho biết, Chính phủ Indonesia đã chấp thuận trả 3 triệu riyal còn thiếu để bà Satinah được trả tự do. Jakarta cũng đã cử quan chức sang tận Saudi Arabia để làm việc với chính quyền nước này. Kể từ khi Satinah bị kết án tử hình năm 2011, Chính phủ Indonesia đã nỗ lực cứu người giúp việc này và đã thành công trong việc thuyết phục phía Saudi Arabia hoãn thi hành án năm lần.
Bà Anis Hidayah, tổng giám đốc Tổ chức phi chính phủ Migrant Care - một tổ chức bảo vệ quyền của lao động nhập cư, đã lên tiếng hoan nghênh động thái của Chính phủ Indonesia. Bà Anis phát biểu: “Cuối cùng thì chiến dịch do cư dân mạng xã hội khởi xướng đã thành công trong việc tác động đến chính phủ. Chính quyền không còn có thể làm ngơ trước trách nhiệm cứu công dân của mình được nữa”. Bà nói thêm rằng mục tiêu ban đầu không chỉ là quyên tiền cứu Satinah mà còn để thúc ép chính phủ.
Theo AFP, Satinah là một trong số 1 triệu người giúp việc Indonesia đang làm việc tại Saudi Arabia. Trong vụ này, bà khai rằng buộc phải giết bà chủ để tự vệ khi bị tấn công.
Giới quan sát cho rằng nếu bà Satinah bị xử tử, vụ việc có thể tác động xấu đến các nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa Indonesia và Saudi Arabia vốn bị rạn nứt sau vụ một người giúp việc Indonesia là Ruyati Binti Sapubi bị chém đầu năm 2011, cũng vì tội giết người. Vụ xử tử đã khiến Jakarta nổi giận vì phía Saudi Arabia không thông báo trước về ngày thi hành án.
CNN cho biết Indonesia đã ký lệnh tạm ngưng đưa lao động sang Saudi Arabia. Lệnh này mới chỉ chấm dứt tháng 2 vừa qua khi hai chính phủ ký một thỏa thuận mới đảm bảo các lao động giúp việc được trả lương tháng, ngày nghỉ và được liên hệ với người thân.
Các nhóm bảo vệ nhân quyền nói thỏa thuận này là một bước tiến mới trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của lao động nhập cư ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng không giải quyết được sự lo lắng của người giúp việc nhập cư khi đệ đơn tố cáo tình trạng bóc lột và bạo hành. Không những vậy, họ còn đứng trước nguy cơ bị chủ tố cáo ngược là ăn trộm, phù thủy hay ngoại tình. Các hình phạt cho những tội như thế rất hà khắc ở đất nước Hồi giáo này.
CNN dẫn lời nhà nghiên cứu Nisha Varia thuộc Tổ chức Theo dõi nhân quyền nói người giúp việc là đối tượng dễ bị tổn thương trước các cáo buộc như trên vì những khác biệt về văn hóa. Bà Varia nói ngay cả một tấm bùa hộ mạng mà người giúp việc đeo trên dây chuyền cũng đủ để người chủ ở Saudi Arabia cáo buộc họ là âm mưu đem vận xấu đến cho gia đình.
Nhiều người giúp việc đang đối mặt với các cáo buộc còn cho biết họ đã chịu đựng sự bạo hành và bóc lột từ người chủ trong thời gian dài. Về mặt tâm lý, một quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết hầu hết lao động sang Saudi Arabia làm giúp việc chưa sẵn sàng để làm việc ở nơi đất khách. Họ phải làm việc quá giờ, không được trả lương, không được ra ngoài, không được liên lạc về nhà.
Bà Anis cho biết thêm thường những nữ giúp việc này không được hưởng một phiên xét xử công bằng ở Saudi Arabia. Đôi khi họ không được tiếp cận phiên dịch hay luật sư để đảm bảo họ hiểu quá trình xét xử.
Cứu được 176 người thoát chết
Hồi đầu tuần này, Tổng thống Yudhoyono đã có cuộc gặp với thân nhân những lao động đang đối mặt với án tử ở nước ngoài và cho biết 246 lao động Indonesia hiện đang đối mặt với cái chết nhưng 176 người đã được cứu trong nhiệm kỳ của ông. Trong hai năm qua, đích thân ông Yudhoyono đã viết thư cho Quốc vương Saudi Arabia và gia đình bà Satinah đã viết thư cho gia đình nạn nhân.
Vào năm 2011, theo CNN, cô giúp việc Indonesia Darsem Binti Dawud Tawar cũng đã được ân xá sau khi Jakarta trả số “tiền máu” 2 triệu riyal (khoảng 533.000 USD). Cô này bị kết án tử hình hai năm trước đó vì giết một người thân của gia đình chủ. Darsem nói buộc phải có hành động tự vệ vì ông này muốn cưỡng hiếp cô.