Trong số các quốc gia châu Âu, Anh là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất khí đốt của Nga. Theo Tổng giám đốc Gazprom A.Miller, tốc độ gia tăng nhu cầu nhập khẩu khí đốt từ Nga của Anh đã gia tăng mức kỷ lục.
Chỉ tính từ 1/1 đến 15/3 năm 2016, tốc độ gia tăng sản lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga đã đạt 245,9% so với cùng kỳ năm 2015 (tăng thêm 3,2 tỷ mét khối), chiếm 1/3 tổng sản lượng xuất khẩu khí đốt của Gazprom ra nước ngoài.
Theo các số liệu của Gazprom, chỉ tính trong quý I năm 2016, Gazprom đã xuất khẩu 44,5 tỷ mét khối khí đốt, tăng thêm 28% so với cùng kỳ năm 2015.
Tính trong tháng 3/2016, Gazprom cung cấp sang Tây Âu và Thổ Nhĩ Kỳ 14,8 tỷ mét khối khí đốt, tăng thêm 1,2 tỷ mét khối so với cùng kỳ năm 2015.
Gazprom cũng dự tính rằng các nước châu Âu sẽ tiếp tục tăng mạnh sản lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Trong buổi tiếp xúc mới đây tại Paris giữa ông A.Miller với chánh văn phòng Tổng thống Pháp Jean-Pierre Jouyet và Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Công nghệ thông tin Emmanuel Macron, hai bên đã thảo luận hợp tác Nga-Pháp trong lĩnh vực khí đốt.
Trong buổi làm việc này, ông Miller cũng nhấn mạnh rằng lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang Pháp tính từ đầu năm 2016 đã tăng thêm 800 triệu mét khối (tăng thêm 1,5 lần) so với cùng kỳ năm 2015.
Trong số các quốc gia châu Âu, Đức là quốc gia “lập kỷ lục” nhập khẩu khí đốt của Nga trong năm 2015, bất chấp việc giới chính trị gia nước này luôn kêu gọi hạn chế tối đa nhập khẩu khí đốt của Nga.
Lượng khí đốt Đức mua của Nga năm 2015 đạt mức 142,4 tỷ mét khối, tăng thêm 12,8% so với năm 2014.
Châu Âu đang tự mâu thuẫn?
Thực tế trên cho thấy dường như đang có sự mâu thuẫn không nhỏ giữa chính sách năng lượng với những tuyên bố về chính trị của giới lãnh đạo châu Âu.
Giới lãnh đạo châu Âu đã không ít lần tuyên bố muốn giảm thiểu lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga nhưng trên thực tế, lượng nhập khẩu này luôn gia tăng.
Theo nhận định của giới phân tích kinh tế, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhu cầu khí đốt của châu Âu vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi lượng khí đốt Mỹ có thể cung cấp cho châu Âu không đáp ứng được nhu cầu này.
Hơn nữa, châu Âu lại không có đủ các kho chứa để lưu trữ lượng khí đốt nhập khẩu từ Mỹ. Ngay cả các quốc gia vốn quyết liệt chống Nga như các nước Baltic cũng phải chấp nhận thực tế này vì việc xây dựng các kho chứa khí đốt nhập từ Mỹ quá đắt đỏ.
Theo nhà phân tích Kirril Yakovenko, nhu cầu nhập khẩu khí đốt từ Nga của châu Âu gia tăng liên tục. Theo các số liệu trong tháng 1, tháng 2 năm 2016, lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga của châu Âu đã tăng thêm 37,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Điều này cho thấy châu Âu, về nguyên tắc, sẽ không thể ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga. Thời gian tới, giá khí đốt sẽ tiếp tục phụ thuộc vào giá dầu mỏ và nhiều khả năng giá dầu mỏ sẽ tiếp tục gia tăng.
Do đó, việc tăng cường nhập khí đốt vào thời điểm này sẽ có lợi cho châu Âu.
Gazprom vẫn giữ “chiến lược hướng Đông”
Theo tính toán của các chuyên gia, trong vòng vài năm tới, Gazprom sẽ vẫn xuất khẩu khoảng 150-155 tỷ mét khối khí đốt/năm sang châu Âu bằng các đường ống cũ. Do giá thành đang ở mức thấp nên lượng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu vẫn liên tục đạt con số kỷ lục.
Tuy nhiên, nếu như giá dầu mỏ gia tăng, giá thành khí đốt cũng sẽ tăng theo. Khi đó, châu Âu sẽ phải tính toán tìm nguồn năng lượng thay thế nên “thế độc tôn” của Gazprom có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Chính vì vậy, hiện Gazprom vẫn đang tính toán khả năng xây dựng thêm các đường ống để gia tăng sản lượng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu nhằm giữ “thế độc tôn” ở thị trường này nhưng nhiều khả năng việc triển khai xây dựng các đường ống “Dòng chảy phương Nam” sẽ chỉ được thực hiện khi giá dầu đạt mức gần 100 USD/thùng.
Mặc dù lượng khí đốt xuất khẩu sang phương Tây của Gazprom đang tiếp tục gia tăng nhưng nhiều khả năng tập đoàn khí đốt hàng đầu nước Nga vẫn tiếp tục thực hiện “chiến lược hướng Đông” của mình.
Tập đoàn này vẫn đang đầu tư kinh phí để xây dựng các đường ống dẫn khí đốt sang phía Đông. Gazprom hiểu rằng sự thống trị của mình trên thị trường các nước châu Âu sẽ vẫn tiếp tục được duy trì nên không cần thiết phải đầu tư nhiều tiền cho hệ thống đường ống dẫn khí sang phía Tây.
“Chiến lược hướng Đông” của Gazprom sẽ tập trung chính vào thị trường Trung Quốc. Mới đây Gazprom và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc cho Gazprom vay 2 tỷ Euro (tương đương 2,17 tỷ USD) để thực hiện các dự án xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc.
Gazprom đang hy vọng sẽ triển khai thực hiện thành công dự án trị giá 55 tỷ USD nhằm cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. “Chiến lược hướng Đông” được cho là quân bài cần thiết của Gazprom nhằm sẵn sàng chuẩn bị đối phó với mọi kịch bản xấu nhất có thể xảy ra đối với thị trường châu Âu.