Charlie Hebdo bị chỉ trích thậm tệ vì vẽ tranh chế nhạo em bé Syria

Linh Vũ |

Một làn sóng tức giận đang càn quét trên mạng xã hội, sau khi tờ báo trào phúng Charlie Hebdo chế nhạo vụ em bé Syria Aylan Kurdi bị chết đuối trong hành trình nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải.

Số báo mới ra của Charlie Hebdo có vài bức ảnh với nội dung liên quan tới sự kiện. Một bức có cảnh chúa Jesus đang đi trên mặt nước và cậu bé đang chết đuối bên cạnh.

"Người Công giáo đi trên mặt nước... Trẻ Hồi giáo thì chìm xuống" - tờ báo viết.

Một bức khác có cảnh thi thể của đứa trẻ nằm trên bãi biển, cạnh một tấm biển quảng cáo suất ăn Happy Meal của hãng McDonald, với dòng chữ : "Thực đơn mua một được hai đứa trẻ."

Tựa chung của cả bức biếm họa này là: "Tới quá gần đích rồi."

Hình ảnh thi thể Aylan đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay. Em đã chết cùng anh trai Galip, 5 tuổi và mẹ Rehan ở trên biển Aegean, khi cả nhà cố tìm cách tới đảo Kos của Hy Lạp.

Trong khi nhiều người dùng mạng xã hội đã đưa ra những lời chỉ trích thậm tệ nhằm vào Charlie Hebdo, nói rằng tòa soạn giờ chỉ còn lại một lũ những kẻ "phân biệt chủng tộc" và không nên được gọi là "nhà báo," số khác đặt câu hỏi sâu cay hơn: Liệu tờ báo có còn đúng với khẩu hiệu "JeSuisCharlie" (Tôi là Charlie)?

Khẩu hiệu JeSuisCharlie được lan truyền trên mạng, sau vụ khủng bố tàn bạo nhằm vào trụ sở Charlie Hebdo ở Paris (Pháp).

Trước đó, tờ báo đã thường xuyên nhận những lời đe dọa, do không ngại vẽ tranh biếm về Nhà tiên tri Mohammed.

Mô tả hình ảnh của nhà tiên tri bị xem là điều cấm kỵ trong niềm tin Hồi giáo, chưa nói tới việc chế nhạo hình ảnh ấy.

Hai anh em Said và Cherif Kouachi đã mở cuộc tấn công nhằm vào tòa soạn Charlie Hebdo và bắn chết 12 người. Các vụ nổ súng tiếp theo đó đã khiến tổng cộng 20 người thiệt mạng.

Sau vụ khủng bố, cả thế giới đã cảm thông với Charlie Hebdo, nói rằng tờ báo chỉ thể hiện quyền tự do ngôn luận.

Trong số báo in ngay sau vụ khủng bố, Charlie Hebdo tiếp tục vẽ tranh biếm về nhà tiên tri Mohammed, người được tạo hình chảy nước mắt khi cầm tấm biển đề dòng chữ "Je Suis Charlie."

Bức tranh đã châm ngòi cho nhiều vụ biểu tình bạo lực mới, khiến một số người thiệt mạng.

Nhà tiên tri Mohammed không phải là mục tiêu châm biếm duy nhất của Charlie Hebdo. Tờ báo cũng từng chế giễu Giáo hoàng Francis và các linh mục Công giáo khác.

Ngoài ra tờ báo còn pha trò về vụ mất tích chiếc máy bay số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines.

Bức tranh biếm về sự kiện này mô tả mảnh thi thể thuộc về phi hành đoàn của chiếc máy bay, cùng dòng chú thích: "Chúng tôi đã tìm thấy phi công và nữ tiếp viên"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại