Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 13/8 xác nhận đã tạm dừng một số chương trình hợp tác quân sự với Mỹ để phù hợp với chính sách của chính phủ và tình hình hiện nay.
Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó một ngày cũng xác nhận Campuchia vừa đình chỉ các chương trình hợp tác quân sự quốc tế với Mỹ và nhiều nước khác.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết những chương trình này chỉ bị hoãn cho tới khi Campuchia có một chính phủ mới.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, Trung tướng Nern Sowath nói rằng chỉ có một số ít chương trình hợp tác hỗn hợp với Mỹ bị hoãn.
Với những tuyên bố có vẻ “mập mờ” như vậy, bước đi của Campuchia không thể qua mắt được giới chuyên gia.
Không ít ý kiến cho rằng đây là đòn “phủ đầu” của Campuchia trong trường hợp Mỹ và một số nước khác quyết định cắt giảm các khoản viện trợ liên quan tới cuộc bầu cử Quốc hội khóa V ở nước này hồi cuối tháng Bảy vừa qua.
Mỗi năm, Mỹ viện trợ cho Campuchia khoảng 70 triệu USD, trong đó hỗ trợ quân sự và đào tạo chiếm tỷ lệ nhỏ.
Viện trợ vẫn gia tăng đều đặn kể từ năm 2006, nhưng việc Mỹ bắt đầu “có ý kiến” với Campuchia về một số vấn đề, trong đó có cuộc bầu cử hôm 28/7 vừa qua đã khiến quan hệ giữa hai nước không được êm đềm.
Giáo sư David Chandler tại Đại học Monash (Australia) cho rằng tuyên bố gián đoạn chương trình hợp tác quân sự chính là đòn “trừng phạt có giới hạn” mà Campuchia ra tay với Mỹ.
Đối với Mỹ, Campuchia có một vai trò nào đó vì nước này là thành viên của ASEAN và thuộc nhóm các quốc gia nằm dọc sông Mekong. Hợp tác quân sự với Campuchia là con đường để Mỹ gia tăng ảnh hưởng trong khu vực trên con đường trở lại châu Á.
Bằng chứng là ngoài viện trợ, Mỹ còn “đào tạo” con trai cả của Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Người con trai có tên Hun Manet này đã tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point của Mỹ năm 1999.
Hun Manet năm nay 35 tuổi, mới được phong quân hàm từ Thiếu tướng lên Trung tướng hồi tháng Sáu.
Ngoài ra, Mỹ cũng rất muốn tạo thế cân bằng với Trung Quốc trong khu vực, trong đó có Campuchia. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, quốc gia đóng góp viện trợ lớn, đồng thời là đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Campuchia.
Trong giai đoạn 1994-2012, Trung Quốc đã đầu tư vào Campuchia 9,17 tỷ USD. Trung Quốc đầu tư vào hầu khắp các lĩnh vực như dệt may cho tới năng lượng, mà đặc biệt là thủy điện.
Trung Quốc cũng sẵn sàng mở hầu bao cho Campuchia vay ưu đãi 2,7 tỷ USD tính tới năm 2012. Đây là nguồn tiền cần thiết để Campuchia phát triển cơ sở hạ tầng.
Cũng có những ý kiến nêu lên các tác động tiêu cực từ sự “hào phóng” của Trung Quốc, song không thể phủ nhận sức nặng của Bắc Kinh. Kể từ sau khi Myanmar tiến hành cải cách, Trung Quốc đã “đầu tư” nhiều hơn cho Campuchia.
Campuchia thời gian qua được đánh giá có nhiều chính sách thân Trung Quốc, đặc biệt là thái độ mà Campuchia thể hiện đối với các vấn đề khu vực lại có lợi cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, Campuchia cũng không nên quên những bài học lịch sử bởi “kẻ chống lưng” của họ là Trung Quốc, một đối tác sẵn sàng theo đuổi “lối chơi hai mặt”.
Lịch sử đã chứng minh sự thay đổi của Trung Quốc trong quan hệ với Campuchia. Bắc Kinh sẵn sàng gây dựng một mối quan hệ mới với chính phủ mới ở Phnom Penh.
Điển hình gần đây nhất là việc Trung Quốc “xoay” từ ủng hộ Khmer Đỏ sau năm 1991 sang ủng hộ ông Hun Sen sau năm 1993.
Trước tình thế này, không loại trừ khả năng Trung Quốc quay sang ủng hộ phe đối lập tại Campuchia hiện nay một khi “có biến”.