Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể gặp khó khăn khi phải đối mặt với sự không hài lòng từ công chúng trong nước và quốc tế bởi tác động của lệnh trừng phạt Nga tới kinh tế châu Âu và đặc biệt là "đầu tàu" Đức.
Gernot Erler, một nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Xã hội đối lập Đức cho biết: "Duy trì lệnh trừng phạt vào đúng guồng thực sự là một thử thách đối với chính sách của Đức".
Theo tạp chí Financial Times, hiện tại châu Âu đang đối mặt với hai lựa chọn vào thời điểm này, một là dần dần nới lỏng rồi tiến tới xóa bỏ lệnh trừng phạt vào Nga hoặc thứ hai là tiến hành thắt chặt lệnh trừng phạt và áp đặt thêm các biện pháp mới.
Lệnh trừng phạt hiện tại sẽ hết hiệu lực trong một năm từ khi được ban hành, điều đó có nghĩa rằng nếu không có những động thái mạnh tay hơn thì lệnh trừng phạt vào Nga có thể dần kết thúc vào tháng 3/2015.
Có hai kết quả có thể xuất hiện sau lệnh trừng phạt của châu Âu.
Trường hợp đầu tiên là xuất hiện làn sóng leo thang quân sự tại Đông Âu, trường hợp khác là Tổng thống Nga Putin đàm phán với các bên và đạt được khả năng xóa bỏ trừng phạt.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu căng thẳng liên quan tới khủng hoảng Ukraine duy trì ở mức độ hiện tại với các bên chưa chủ động để giải quyết tình hình tại miền Đông.
Tờ Financial Times trích lời của một nhà cựu ngoại giao Đức cho rằng ý kiến công chúng có thể thay đổi, người dân Đức sẽ tự hỏi tại sao mối quan hệ truyền thống bền chặt với Nga lại bị tác động.
Ông kết luận: "Họ nói hãy quên Crimea đi" và đó thực sự là vấn đề nội địa ngày càng khó khăn cho bà Merkel.