1. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói việc tàu Việt Nam mang số hiệu DNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm là do phía Việt Nam đã bỏ qua lời kêu gọi của Trung Quốc, "can thiệp thô bạo vào quá trình hoạt động của công ty Trung Quốc và các hành động nguy hiểm trên biển".
Sự thật: Ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định tàu cá mang số hiệu DNa 90152 bị "tàu Trung Quốc đâm trúng". Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, khoảng 40 tàu cá Trung Quốc đã bao vây các tàu cá Việt Nam, sau đó một trong các tàu cá Trung Quốc đã đâm trúng tàu cá Việt Nam và hất ngư dân xuống biển.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhiều hãng tin lớn quốc tế đã lên tiếng chỉ trích hành động gây gia tăng căng thẳng của Trung Quốc. Bloomberg đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Trung Quốc đâm chìm tàu cá làm tăng căng thẳng với Việt Nam". Trong khi đó, tờ New York Times cho biết Trung Quốc đã kiểm duyệt phản ứng của người dân nước này trên các mạng xã hội về vụ việc trên. Một bình luận chỉ trích ngôn từ của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc về Việt Nam trên mạng xã hội Sina Weibo đã bị xoá bỏ.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh trong cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo khẳng định: "Đây là hành động cực kỳ nguy hiểm có thể đe dọa mạng sống của người dân".
2. Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ Thôi Thiên Khải trả lời phỏng vấn CNN: "Chúng tôi (Trung Quốc) chỉ có tàu chính phủ và dân sự tại đó (khu vực giàn khoan Hải Dương 981), nhưng Việt Nam có tàu quân sự, tàu vũ trang".
Sự thật: Nhà báo Toshihiro Yatagal, phóng viên tờ Kyodo News (Nhật Bản) có mặt trên tàu cảnh sát biển làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa kể lại rằng ông tận mắt thấy tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc bên mạn trái đội hình tuần tra của tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Ngày 17/5, tàu chiến của Trung Quốc công khai cản mũi trước biên đội tàu tuần tra Việt Nam để thị uy sức mạnh. Đó là các tàu hộ vệ tên lửa tấn công nhanh lớp Hậu Tân 755 và tàu hộ vệ tên lửa tấn công nhanh lớp Hải Thanh 789.
Xem [Video] Tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc hoạt động ở khu vực giàn khoan trái phép Hải Dương -981.
Trung Quốc điều tàu hộ vệ tên lửa tới khu vực giàn khoan Hải Dương -981 (Nguồn: VTV)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Ông Yatagal cũng khẳng định “Việt Nam ít tàu hơn và không hề có các tàu quân sự. Việt Nam chỉ điều các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư ra làm nhiệm vụ.”
Trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Hoa Kỳ, ký giả người Mỹ gốc Việt Vũ Hoàng Lân, sáng lập viên chương trình PhoBolsaTV ở California (Mỹ), người vừa tham gia các chuyến đi thực tế ra thăm Trường Sa và Hoàng Sa khẳng định hiện nay Việt Nam chỉ có lực lượng của Cảnh sát biển và Cục kiểm ngư".
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định trong cuộc họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao ngày 23/5 cũng thông tin rằng, "Trung Quốc đã đưa các tàu chiến đấu, tàu hải cảnh, hải giám và tàu dịch vụ đến vùng biển này để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981.
Về tàu chiến, Trung Quốc có năm loại tàu gồm chín lượt chiếc ở đây. Chúng tôi ghi được số hiệu của các tàu này: tàu vận tải đổ bộ có lượng giãn nước khoảng 17.000 tấn, trên đó có tám ống phóng tên lửa phòng không, một bệ pháo 76 li, có thể chở được nhiều quân và khí cụ quân sự. Thứ hai là tàu hộ vệ tên lửa; thứ ba là tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh; thứ tư là tàu tuần tiễu săn ngầm và thứ năm là tàu khu trục tên lửa".
3. Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ Thôi Thiên Khải nói Việt Nam dùng tàu vũ trang đâm vào tàu dân sự, tàu chấp pháp của Trung Quốc.
Sự thật: Ký giả Vũ Hoàng Lân kể lại: “Tàu Việt Nam chủ trương tránh va chạm, mà chủ yếu tàu Việt Nam đi vào đủ để cho Trung Quốc biết rằng Việt Nam vẫn đang phản đối, thứ nữa là để quan sát thêm những hoạt động trên giàn khoan như thế nào".
Nhà báo Hoàng Đình Nam, phóng viên Hãng thông tấn AFP, người trực tiếp có mặt trên tàu cảnh sát biển Việt Nam tại Hoàng Sa nói rằng, ông đã ghi lại nhiều hình ảnh các tàu Trung Quốc đâm va, dùng vòi rồng phun nước vào các tàu Việt Nam làm nhiệm vụ trên biển: "Qua 4, 5 ngày tác nghiệp trên vùng biển Hoàng Sa, gần nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu và mang đến cả đội tàu rất đông đảo để bảo vệ. Tôi đã mục kích sự vi phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Rõ ràng trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc mang cả đội tàu lớn và có những hành xử rất ngỗ ngược".
Nhà báo này khẳng định, với những gì diễn ra tại thực địa rõ ràng thông tin mà phía Trung Quốc rêu rao rằng, tàu Việt Nam “đâm va” tàu Trung Quốc là bịa đặt.
Tàu hải cảnh 46001 của Trung Quốc cố tình đâm vào mạn trái của tàu 4032 của Việt Nam, khiến tàu Việt Nam hư hỏng khá nặng. Ảnh: Pháp luật TP. HCM
4. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, Việt Nam “công khai và chính thức thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc". Theo ông Tần, năm 1956, người phụ trách Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói với đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam như vậy. Vào năm 1958, chính phủ Trung Quốc tuyên bố về độ rộng 12 hải lý thì chính phủ Việt Nam đã công nhận bằng công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong nhiều văn kiện chính thức, sách giáo khoa, bản đồ của Việt Nam “đều nói rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc”.
Sự thật: Báo Nhân dân dẫn thông tin từ cuộc họp báo quốc tế tại Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 23/5, theo đó, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải khẳng định công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 "có giá trị pháp lý về những vấn đề nêu trong nội dung công thư. Đó là tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Trong công thư này không đề cập đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ cũng như vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Do đó, đương nhiên, công thư này không có giá trị pháp lý đối với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là giá trị công thư phải đặt vào trong bối cảnh cụ thể bởi khi công thư này gửi cho Trung Quốc thì Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo hiệp định Geneve năm 1954 và Trung Quốc là một bên tham gia. Do đó, tôi muốn nói đến lô gic thông thường là ta không thể cho người khác cái gì ta chưa có được.
Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa…”
Sau khi bác bỏ các thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật của phía Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đã cho công chiếu đoạn phim song ngữ Anh - Việt về những chứng cứ, bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Xem đoạn phim cung cấp bằng chứng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
5. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói giàn khoan Trung Quốc hoạt động tại vùng biển cách đảo Trung Quốc 17 hải lý, trong khi vùng biển này cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý.
Sự thật: Trong cuộc họp báo Quốc tế tại Bộ Ngoại giao ngày 23/5, ông Trần Duy Hải khẳng định "giàn khoan Hải Dương 981 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đảo Tri Tôn thực ra là một bãi đá và theo luật pháp quốc tế nó không thể có vùng biển vượt quá 12 hải lý. Giàn khoan đó hiện nằm cách đảo Tri Tôn 17 hải lý nên không thể nói nó thuộc quần đảo Hoàng Sa được. Dù cho khu vực đó có thuộc Hoàng Sa đi chăng nữa thì nó cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam".
Nhiều chính trị gia và các chuyên gia quốc tế cũng đã lên tiếng tố cáo hành vi sai trái của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan này tại vùng biển của Việt Nam.
Chuyên gia Michael Auslin tại Viện Doanh nghiệp Mỹ trong bài bình luận đăng trên tờ The Wall Street Journal khẳng định giàn khoan Hải Dương 981 nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khu vực này đã bị Trung Quốc ngang nhiên cho vào trong bản đồ "đường lưỡi bò" phi lý và phi pháp của họ.
Trả lời phỏng vấn TTXVN, Tiến sĩ Kim Tae-wan, Trưởng Khoa chính trị tại Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc nhận định, việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là vi phạm Công ước về Luật biển của LHQ năm 1982.
Trong bài bình luận đăng trên The Dilopmat hôm 24/5, luật sư Ryan Santicola thuộc bộ phận pháp chế của hải quân Mỹ khẳng định vụ giàn khoan là bằng chứng cho thấy Trung Quốc không thật tâm tuân thủ "Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo về giải quyết các vấn đề trên biển" đã ký hồi năm 2011 với Việt Nam.