Theo AFP, sau khi tổng số nạn nhân thiệt mạng sau vụ động đất ở Nepal vượt mức 2.500 người, Mỹ và các quốc gia ở châu Âu và châu Á đã điều rất nhiều đoàn cứu hộ khẩn trương tới giải cứu những người sống sót tại thủ đô Kathmandu và nhiều khu vực nông thôn khác bị cô lập.
Hội chữ thập đỏ Úc cho biết: “Thật kinh hoàng khi cứ mỗi giờ qua đi người ta lại kéo ra thêm nhiều hơn những thi thể vị vùi lấp dưới các tòa nhà đổ nát. Thông tin liên lạc bị đứt ở nhiều vùng nông thôn.
Khắp nơi bị tàn phá, những đống gạch đá và tình trạng lở đất đang ngăn cản lực lượng ứng cứu không tới được nhiều ngôi làng”.
Ông Mike Bruce thuộc tổ chức cứu trợ quốc tế Plan phụ trách tại khu vực cho biết, nhiều nơi ở Nepal, cả ở nông thôn và một số thị trấn lớn hơn đều xảy ra lở đất, nhiều con đường bị bịt kín.
Cũng theo ông Bruce, mặc dù tới trưa hôm qua, có vẻ như mạng điện thoại di động đã được khắc phục nhưng vẫn còn rất chập chờn.
Ông Bruce nói: “Mọi người đang ngủ trên đường phố và nấu nướng ngoài trời. Chúng tôi đang nói về những vùng rất, rất nghèo của Nepal, những khu vực vốn đã phải chịu nhiều khốn khó”.
Các tổ chức cứu trợ khác lo lắng về việc các nhu yếu phẩm cứu trợ sẽ mau chóng cạn kiệt và nhiều hệ lụy đáng sợ tiếp theo của cơn địa chấn sẽ xảy ra.
Eleanor Trinchera, điều phối viên chương trình Caritas của Úc tại Nepal nói: “Chúng tôi đã thấy những thảm cảnh khủng khiếp của thiên tai, các bệnh viện không đủ chỗ chứa và bệnh nhân phải điều trị trên nền đất bên ngoài những ngôi nhà và tòa nhà đổ nát”.
Tình trạng thiếu điện sẽ trở nên phức tạp hơn do thiếu nước, thuốc men và dụng cụ y tế cũng ngày một khan hiếm, trong khi đó theo tổ chức Oxfam, các nhà xác cũng đã quá tải.
Tổ chức Y tế Thế giới đã gửi tới bệnh viện những bộ thiết bị sơ cứu y tế, thuốc men và dụng cụ điều trị người bị thương.
Những người sống sót sau thảm họa vẫn ngủ ngoài trời ở Kathmandu bất chấp giá lạnh vì sợ các tòa nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.