Biểu tình đổ máu - Phép thử cho Thủ tướng Hun Sen

(Soha.vn) - Cuộc biểu tình đổ máu ở thủ đô Phnom Penh chính là phép thử quan trọng cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong những năm cầm quyền tiếp theo.

Một ngày giông bão với hơn 30.000 người xuống đường ở Quảng trường Dân chủ ngày 15-9 do đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) phát động kết thúc với các cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình làm ít nhất một người chết và nhiều người khác bị thương nặng.

Bạo lực diễn ra bất chấp cuộc họp hiếm hoi vào hôm 14-9 giữa thủ lĩnh CNPR  Sam Rainsy và Hun Sen, vốn được mô tả như “bước đi đầu tiên” hướng tới kết thúc khủng hoảng. Trong tuyên bố đưa ra hôm 16-9, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni kêu gọi những người biểu tình ủng hộ phe đối lập và cảnh sát chấm dứt đáp trả nhau bằng vũ lực.

Thông điệp Hoàng gia nêu rõ: “Tôi mong muốn tất cả quốc dân đồng bào, những người biểu tình và nhân viên công lực, hãy ngừng sử dụng bạo lực dưới mọi hình thức...”. Quốc vương cũng bày tỏ: “Tôi vô cùng đau buồn và muốn gửi lời chia buồn tới những gia đình của các nạn nhân bị thương vong trong vụ việc vừa qua”.


	Cảnh sát chống bạo động Campuchia lập hàng ràongăn cản người biểu tình bạo lực gần Cung điện Hoàng gia. Ảnh: Reuters

Cảnh sát chống bạo động Campuchia lập hàng ràongăn cản người biểu tình bạo lực gần Cung điện Hoàng gia. Ảnh: Reuters

Ai bắn chết người biểu tình?

Nạn nhân xấu số tên Mao Chan, 29 tuổi, bị bắn chết sau khi bùng nổ đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát và quân cảnh tại cầu Monivong, cửa ngõ phía Đông thủ đô Phnom Penh.

Trong khi người biểu tình vừa la hét vừa ném đá và bất kỳ thứ gì họ có được vào cảnh sát, lực lượng chống bạo động phản ứng bằng hơi cay và roi điện. AFP dẫn lời các nhân chứng cho biết, nhóm biểu tình do khoảng 30 thanh niên dẫn đầu ném đá vào lực lượng chống bạo động vào khoảng 22 giờ và cảnh sát đã dùng lựu đạn cay để trấn áp. Trong khi đó, người phát ngôn lực lượng quân cảnh, Thiếu tướng Kheng Tito, cho hay đụng độ xảy ra là do “một nhóm thanh niên nghiện hút gây rối và cảnh sát bắn hơi cay để giải tán nhóm này”.

Giới phân tích cho rằng, các vụ đụng độ xảy ra do người biểu tình ủng hộ CNRP tuần hành, phớt lờ lệnh cấm của Bộ nội vụ, vốn chỉ cho phép biểu tình trong khuôn viên Quảng trường Dân Chủ. Tuy nhiên, trong một tuyên bố vào cuối ngày 15-9, CNRP chối bỏ trách nhiệm khi cho rằng có những phần tử cơ hội trà trộn vào trong đoàn biểu tình để gây hấn. CNRP đổ lỗi cho các nhà chức trách về cái chết người biểu tình trên, cho rằng, người này bị bắn vào đầu.

Nhưng, phát ngôn viên cảnh sát Kheng Tito phủ nhận việc lực lượng an ninh đã bắn đạn thật.

Hội đàm để rỡ gối

Ngay sau vụ biểu tình, Phó Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Thủ tướng Hun Sen gặp thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy để giải quyết những bất đồng hậu bầu cử Quốc hội khóa V.

Đây là cuộc gặp lần hai giữa hai bên trong vòng một tuần qua, sau cuộc họp lần một dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni  nhưng không thành công. Trước khi vào cuộc họp, các thành viên của hai bên chủ động có những cử chỉ thân mật. Đặc biệt, ông Hun Sen chủ động bắt tay ông Sam Rainsy và các thành viên của đảng đối lập khi cùng ngồi đối diện nhau trong căn phòng bên trong tòa nhà Quốc hội, một phóng viên AFP cho biết. Theo nguồn tin giấu tên, trước khi đến họp, hai ông Sam Rainsy và Kem Sokha vào Đại sứ quán Mỹ gặp Đại sứ William Todd.

Kết thúc cuộc họp, cả hai nhất trí sẽ tuân theo ý chỉ của Quốc vương Norodom không để bạo lực tiếp tục xảy ra, thành lập một ủy ban chung cải cách công tác bầu cử trong tương lai và tiếp tục gặp gỡ để giải quyết những vấn đề của đất nước sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa V hôm 28-7 song chưa đề ra cụ thể ngày họp tiếp theo.

Tuy nhiên, bất đồng vẫn hiện hữu khi CNRP vẫn giữ lập trường phải thành lập một ủy ban đặc biệt có sự tham gia của LHQ để điều tra về những sai phạm bầu cử trong khi CPP không thể đồng ý đối với đòi hỏi này vì Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) và Hội đồng Hiến pháp Campuchia (CCC) là những cơ quan tối cao của Vương quốc có đầy đủ quyền hạn trong vấn đề bầu cử.

Thủ tướng Hun Sen, 61 tuổi, lên nắm quyền trong 28 năm qua và tuyên bố sẽ tiếp tục lãnh đạo nước nhà cho đến khi 74 tuổi. Nhưng ngay khi vừa tái đắc cử, ông đã vấp phải áp lực lớn từ phe đối lập, động thái thách thức 28 năm cầm quyền rất được lòng dân của nhà lãnh đạo này. Bài toàn đặt ra cho ông Hun Sen là làm thế nào để ngăn chặn bạo lực leo thang.

Tin bài và ý kiến đóng góp cho chuyên mục, vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại