Biển Đông: Ngoại trưởng Trung Quốc phớt lờ quốc tế, làm khó ASEAN

Trong diễn đàn khu vực ASEAN, Philippines đã đưa ra gói kế hoạch gồm hành động 3 phần để giúp giảm các hành vi khiêu khích gây căng thẳng trong vấn đề biển Đông.

Trong diễn đàn khu vực ASEAN, vấn đề căng thẳng tại Biển Đông thu hút sự chú ý lớn nhất. Philippines đã đưa ra gói kế hoạch gồm hành động 3 phần để giúp giảm các hành vi khiêu khích gây căng thẳng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ và còn giở giọng trách cứ Philippines.

Philippines đã kêu gọi các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ủng hộ đề xuất "Kế hoạch ba hành động" (TAP) để đối phó với các hành động "hiếu chiến và khiêu khích" ở Biển Đông đe dọa hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trình bày TAP - một sáng kiến ​​của Philippines nhằm kiểm soát và giảm căng thẳng ở Biển Đông tại diễn đàn trước sự chứng kiến của nhiều quan chức ngoại giao trong và ngoài khối. "Kế hoạch ba hành động" của Philippines gồm: hành động ngắn hạn, trung hạn và lâu dài.

Hành động ngắn hạn là áp dụng ngay lập tức lệnh cấm các bên tại Biển Đông có hoạt động làm phức tạp trong khu vực. Điều này cũng giống như quy định của khoản 5, Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết vào năm 2002.

Về hành động trung hạn, kế hoạch của Philippines là “để kiểm soát căng thẳng tốt hơn nữa, ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả những cam kết trên tinh thần DOC đồng thời nhanh chóng thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)".

Còn giải pháp lâu dài, bền vững cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, theo đề xuất của Philippines, là giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982).

Trước khi đưa ra đề xuất tại diễn đàn khu vực ASEAN, Philippines đã gửi thông điệp cho các nước trong khu vực. Hầu hết các nước ASEAN có liên quan đến Biển Đông đều ủng hộ sáng kiến của Philippines.

Ngay cả Mỹ cũng đánh giá cao sáng kiến này. "Chúng tôi cho rằng bất kỳ đề xuất giúp kiềm chế và giảm căng thẳng đều rất hữu ích", một quan chức Bộ Ngoại giao cấp cao tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Myanmar cho biết.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại bác bỏ sáng kiến của Philippines. "Nếu Philippines muốn theo đuổi kế hoạch ba bước, họ phải thôi theo kiện tại Tòa án trọng tài quốc tế và trở về bước đầu tiên", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói. "Họ đã bỏ qua (2 bước) đến thẳng bước thứ ba ... Hành vi của họ đã mâu thuẫn với các đề xuất của mình"

Nhưng dù Philippines có quay lại bước 1 thì cũng không khiến Trung Quốc từ bỏ thái độ ngoan cố như hiện giờ. Ông Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh sẽ không chấp nhận đề nghị của Philippines vì cho rằng nó sẽ làm "gián đoạn" cuộc đàm phán giải quyết xung đột đang diễn ra và "gây tổn hại lợi ích chung" của Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á.

"Trung Quốc sẵn sàng lắng nghe những đề xuất liên quan đến Biển Đông từ tất cả các bên. Tuy nhiên, những đề nghị này cần phải khách quan, công bằng và mang tính xây dựng, chứ không phải là làm nảy sinh những vấn đề mới hay bị lái đi bởi động cơ thầm kín".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại