Bí thư Tân Cương từ chối tỏ lòng trung thành với Tập Cận Bình

Hải Võ |

Một tín hiệu trong giai đoạn diễn ra kỳ họp "lưỡng hội" Trung Quốc cho thấy ông Tập Cận Bình chưa hoàn toàn "vững chân" trong chính sách tập trung quyền lực của mình.

Kỳ họp "lưỡng hội", gồm Hội nghị Chính hiệp toàn quốc và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc, hiện đang diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh.

Đây là kỳ họp thường niên lớn nhất tại Trung Quốc và cũng là giai đoạn mà các quan chức Trung Quốc phải đưa ra tuyên bố, quan điểm, ý kiến liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm trong nước và quốc tế.

Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) cho hay, Bí thư đảng ủy Khu tự trị Tân Cương Trương Xuân Hiền hôm 8/3 trong khi trả lời phỏng vấn báo chí, đã từ chối công khai tỏ lòng trung thành đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, mà đáp rằng "để nói sau".

Trương Xuân Hiền là một trong 25 Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc.

Nhà bình luận thời sự Trình Tường nói với RFI, trong số những tuyên bố gần đây ủng hộ khái niệm mới "lãnh đạo cốt lõi Tập Cận Bình" mà Trung Nam Hải đưa ra, chỉ có khoảng 2/3 lãnh đạo cao nhất cấp tỉnh đã tỏ thái độ.

"Trương Xuân Hiền nằm trong nhóm lãnh đạo các tỉnh của Trung Quốc chưa lên tiếng, cho thấy 'lãnh đạo cốt lõi Tập Cận Bình' chưa có được sự thừa nhận của toàn thể," chuyên gia này bình luận.

Theo ông Trình, điều này phần nào cho thấy chính sách tập trung quyền lực lãnh đạo về tay ông Tập, cũng như chiến lược tuyên truyền theo mô hình "sùng bái cá nhân" đã khiến một bộ phận quan chức Trung Quốc không hài lòng.


Bí thư đảng ủy Tân Cương Trương Xuân Hiền tham gia buổi thảo luận tại đoàn đại biểu Tân Cương trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 10/3. (Ảnh: Reuters)

Bí thư đảng ủy Tân Cương Trương Xuân Hiền tham gia buổi thảo luận tại đoàn đại biểu Tân Cương trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 10/3. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Lâm Hòa Lập (Willy Lam) chỉ ra, đã có tín hiệu "lật bài" từ các phe nhóm khác nhau trong cuộc chiến truyền thông ở quốc gia này, nhưng rất khó để đánh giá liệu các bên có thực sự "ngửa bài" hay không.

Ông Lâm nhận xét, không khó lý giải thái độ của Trương Xuân Hiền đối với Tập Cận Bình.

Học giả này cho hay, hồi năm 2014 ông Tập đã chỉ trích kết quả yếu kém trong hoạt động chống khủng bố ở Tân Cương, nhưng ông Trương chỉ khẳng định rằng "Tân Cương đã nỗ lực".

RFI cho hay, trên mạng Internet ở Trung Quốc gần đây xuất hiện nhiều bài viết hay các ca khúc "nhạc đỏ" ca ngợi Tập Cận Bình, thậm chí hình ảnh ghép ông Tập bắt tay với lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông được lan truyền rộng rãi.

Mới đây, một đoạn video có tên "Đông phương lại hồng" (dựa theo "Đông phương hồng", tên bài hát ca ngợi công lao của Mao Trạch Đông với nước Trung Quốc mới-PV) trở nên nổi tiếng trên trang Youtube.

Video dựa trên nền nhạc thời kỳ Mao Trạch Đông kết hợp với hình ảnh và ca từ ca ngợi Tập Cận Bình là "phúc tinh của Trung Quốc", nhưng đến cuối cùng lại xuất hiện bình luận chỉ trích chính sách tuyên truyền cá nhân hóa quá đà của Bắc Kinh đối với ông Tập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại