Báo Nga Sputnik News cho rằng, chính Belarus là quốc gia giành chiến thắng trong các cuộc đàm phán ở Minsk.
Một năm trước, Belarus vẫn bị truyền thông phương Tây coi là cái bóng của Nga. Song giờ đây, nước này đã có thể tự làm mới mình trong vai trò là cường quốc ngoại giao và kinh tế mới nổi.
Trong một bài phân tích của mình, tờ Sputnik News đã chỉ ra 5 lý do lớn nhất để chứng tỏ rằng, Belarus có thể đạt được vị thế không tồi trên trường quốc tế.
Kinh tế Belarus đang khao khát được mở rộng
Sputnik News đánh giá, không giống như tại Nga và Ukraine, nơi mà việc tư nhân hóa hay tình trạng phá sản phá hủy nhiều nền tảng kinh tế, Belarus đang tự quản lý các nền tảng kinh tế và công nghiệp của mình.
Belarus có hãng xe hơi Minsk (MAZ) cạnh tranh với gã khổng lồ Nga, có hãng sản xuất động cơ máy kéo MTZ thống trị thị trường máy kéo nông nghiệp hậu Xô Viết, với các sản phẩm máy kéo chiếm 10% tổng sản lượng toàn thế giới.
Quốc gia 9 triệu dân này đã vươn lên trở thành một cường quốc công nghiệp trong khu vực.
Báo Nga thừa nhận, trong thời điểm nền kinh tế Nga đang suy thoái, thương mại giữa Nga và Belarus đã giảm 5% trong năm 2014.
Trong khi 2 quốc gia đang thúc đẩy kế hoạch giảm hơn nửa các rào cản thương mại, thì Belarus vẫn tìm cách vươn ra nước ngoài để tiếp tục bán các sản phẩm của mình.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Triều Tiên Lee Su Yong mới đây, Thủ tướng Belarus Andrey Kobyakov đã tuyên bố:
"Chúng tôi xác định các ưu tiên sau đây: Cung cấp thiết bị nông nghiệp và ô tô cho Triều Tiên, tổ chức các nhà máy lắp ráp các thiết bị này, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nhẹ và hợp tác nông nghiệp".
Ông Kobyakov nói rằng, mục tiêu của quan hệ đối tác mới này là nhằm phát triển "nền kinh tế lớn mạnh và độc lập" cho cả 2 quốc gia, và rằng Belarus đang mở cửa cho các hoạt động hợp tác quy mô lớn với đất nước châu Á này.
Khác Nga, các công ty Belarus không chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt
Belarus đã thể hiện rằng nước này sẵn sàng hợp tác với Iran, ngay cả khi Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm gây tổn thất cho các công ty Belarus có liên quan.
Hôm 17/2, trong cuộc họp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, ông Kobyakov tuyên bố nước này vẫn sẽ tiếp tục hợp tác bất chấp lệnh trừng phạt.
"Một số công ty Belarus đã phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng vì hợp tác với Iran, song điều này không thể ngăn cản chúng tôi hợp tác với phía Iran".
Belarus đã đầu tư hơn 600 tỉ USD vào Iran, dù vậy, ông Kobyakov vẫn tin rằng kim ngạch thương mại giữa 2 quốc gia - hiện xấp xỉ ở mức 100 triệu USD/năm, còn ở dưới mức tiềm năng rất nhiều.
Lukashenko có thể trở thành bạn ở nơi Putin chỉ có thể là đối tác
Tổng thống Belarus tiếp 2 nhà lãnh đạo Nga và Ukraine tới Minsk bàn giải pháp cho xung đột ở Ukraine
Theo Sputnik News, mặc dù Nga là đối tác quan trọng trong các cuộc đàm phán về Triều Tiên, Iran và Syria, song lại phải phải giữ cách tiếp cận cân bằng đối với các vấn đề này. Trong khi đó, Belarus có thể thoải mái bày tỏ sự thân thiện.
Ngày 11/2, sau chuyến thăm tới Syria, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Markei tuyên bố:
"Chúng tôi cho rằng, những kẻ khủng bố không thể phân chia thành 2 loại tốt và xấu. Và trong những phạm trù này, chúng tôi tin chắc rằng chính phủ Syria phải trở thành đối tác của tất cả các quốc gia thực sự muốn diệt trừ khủng bố trên thế giới.
Thêm vào đó, Belarus và Syria cũng đang phát triển hơn nữa các kế hoạch hợp tác kinh tế.
Trước khi cuôc nội chiến ở Syria nổ ra, kim ngạch thương mại song phương giữa 2 quốc gia đang đạt tới con số 85 triệu USD/năm.
Belarus có quan hệ đặc biệt với Ukraine
Nếu không phải vì mối quan hệ thân thiết về mặt lịch sử và kinh tế giữa Ukraine và Belarus thì rất có thể, các cuộc đàm phán sẽ không diễn ra ở Minsk.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vẫn đang tiếp tục ve vãn Ukraine bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc gia này nhằm vào mình.
Hồi tháng 10, ông Lukashenko, người được 62% dân Ukraine ủng hộ - theo kết quả một cuộc khảo sát công bố hồi tháng 9, đã có phát ngôn rất nổi tiếng trước cánh phóng viên rằng mình "là người Ukraine nhiều hơn là người Belarus".
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ukraine hồi tháng 3/2014, ông Lukashenko khẳng định, Belarus đang hỗ trợ Ukraine trong mùa vụ trồng trọt và thu hoạch bằng cách cho nông dân đông Ukraine thuê máy móc miễn phí, miễn là họ trả tiền nhiên liệu.
Rồi, bất chấp căng thẳng, các nhà máy của Belarus vẫn đang lên kế hoạch mở một nhà máy gặp đập lúa ở Kharkiv, nơi mỗi năm sản xuất ít nhất 500 máy gặp đập.
Các cuộc cách mạng màu và đảo chính tại Belarus chẳng có nghĩa lý gì
Belarus chẳng còn lạ lẫm gì với "cách mạng màu" - phong trào sử dụng chiến thuật biểu tình phản đối để lật đổ chính quyền.
Năm 2005, "cách mạng Jeans" do ứng viên đối lập phát động và phong trào thanh niên Zubr đã sử dụng các chiến thuật của cách mạng màu, song không thành công trong việc kêu gọi ủng hộ, và rồi phải giải tán.
Năm 2011, cái gọi là "cách mạng thông qua mạng xã hội", trong đó sử dụng internet để hô hào phản đối, cũng thất bại vì không được ủng hộ.
Tháng 12/2011, ông Lukashenko tuyên bố rằng:
"Khi cơ quan an ninh của các quốc gia cụ thể nào đó triển khai cái gọi là "các cuộc cách mạng qua mạng xã hội", thì chúng tôi cũng tìm được cách thức về thông tin để đối phó với chúng mà không chặn bất cứ thứ gì trên internet.
Mọi người phải biết rằng: Nếu chúng tôi bị tấn công, chúng tôi sẽ bảo vệ mình. Và hãy tin tôi đi, chúng tôi sẽ làm điều đó".
Báo Nga đánh giá rằng, tự bản thân Belarus đã có thể duy trì sự ổn định, đủ để theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, thống nhất của mình.