Và đây là một chiến lược rất quan trọng của nước này.
Tháng 7-2013, Trung Quốc cải tổ hoàn toàn lực lượng tàu dân sự, đưa toàn bộ các tàu tuần tra ngư nghiệp, tàu chống buôn lậu… vào một cơ quan duy nhất là Tổng cục Hải dương quốc gia (SOA). Kể cả lực lượng hải cảnh (CCG) cũng nằm dưới quyền của SOA. “Chính CCG và SOA làm những công việc bẩn thỉu trên biển Đông, trong khi tàu và máy bay của quân đội Trung Quốc bảo vệ các tàu gây hấn của CCG và SOA” - World Affairs cho biết.
Chiến lược của Trung Quốc là triển khai vũ lực quy mô nhỏ để từng bước lấn chiếm vùng lãnh thổ không thuộc về mình và gửi đi thông điệp rằng: “Đây là vùng đất của chúng tôi”. Giáo sư James Holmes thuộc ĐH Hải quân Mỹ gọi chiến lược của Bắc Kinh trên biển Đông là “ngoại giao cây gậy nhỏ”, nghĩa là sử dụng lực lượng phi quân sự để theo đuổi mục tiêu quân sự, trong trường hợp này là đòi chủ quyền.
Những hành vi như phun vòi rồng hay đâm tàu Việt Nam trên biển Đông đều là những hành động nằm trong chiến lược “cây gậy nhỏ”. World Affairs đánh giá nếu không bị ngăn chặn, Trung Quốc sẽ dần dần kiểm soát biển Đông. Sử dụng tàu CCG và SOA thay vì tàu chiến của quân đội Trung Quốc sẽ tránh bị mang tiếng là dùng vũ lực gây hấn.
Mỹ, quyền lực quân sự lớn nhất trên Thái Bình Dương, sẽ khó nhận được sự ủng hộ chính trị để can thiệp vào biển Đông khi Trung Quốc sử dụng chiến lược phi quân sự này. Như giáo sư Holmes đánh giá, các tàu của SOA và CCG mang tiếng là tàu dân sự nhưng thực tế là tàu bán quân sự, có sức mạnh lớn hơn tàu dân sự các nước láng giềng Đông Nam Á nên Bắc Kinh không cần dùng tàu quân sự.
Ví dụ điển hình của việc Trung Quốc dùng lực lượng này ở biển Đông là việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng thềm lục địa của Việt Nam. Giàn khoan này không phải là một tàu quân sự. Bắc Kinh cũng điều động 80 tàu hải giám bảo vệ giàn khoan này. Mà các tàu hải giám thực tế đều là tàu quân sự cũ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng dùng tàu cá để tấn công, đâm các tàu Việt Nam hoạt động ở gần khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan. Trước đó tàu CCG đã bị cáo buộc tấn công tàu Việt Nam nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên Bắc Kinh dùng tàu cá để đâm chìm tàu nước láng giềng. World Affairs cho biết trên thực tế các tàu cá Trung Quốc thường được tàu Cục Quản lý đánh bắt cá thuộc SOA đi kèm bảo vệ để dễ dàng thực hiện các hành vi gây hấn.
Thâm hiểm hơn, hồi tháng 5 Bắc Kinh thông báo SOA sẽ quản lý một mạng lưới các nhóm “quản lý tình hình sinh thái” và “tiến trình phát triển” các đảo của Trung Quốc. Bắc Kinh có ý đồ đưa các nhóm này tới các quần đảo không thuộc chủ quyền nước này trên biển Đông nhằm “khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi”.
Các hành động này đều nhằm mục tiêu quân sự là đòi chủ quyền bằng cách tạo ra thực tế mới, buộc các nước láng giềng phải chấp nhận. Trung Quốc muốn tìm cách chứng tỏ rằng các đảo này thuộc “chủ quyền” nước này và với việc đưa các nhóm dân sự tới giám sát, Bắc Kinh có thể bác bỏ cáo buộc là dùng lực lượng quân sự.
World Affairs đánh giá Mỹ là thế lực duy nhất có thể ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Washington hiểu rằng để bảo vệ chủ quyền của các nước Đông Nam Á thì cần phải cản trở ý đồ thâm độc của Bắc Kinh.
Năng lực hải quân của Trung Quốc còn lâu mới sánh được với Mỹ. Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay còn Mỹ có đến sáu. Mỹ có 12 tàu tuần dương tên lửa ở Thái Bình Dương, Trung Quốc không có chiếc nào. Mỹ có 29 tàu khu trục tên lửa ở khu vực, Trung Quốc chỉ có tám. Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường sức mạnh hải quân nhưng một chiến lược đối đầu với Mỹ là điều không tưởng đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh đang thể hiện rõ tham vọng bành trướng tại khu vực. "Đường lưỡi bò” đòi chủ quyền toàn bộ biển Đông, một khu vực lớn hơn cả Ấn Độ. Chắc chắn Trung Quốc không thể dùng tàu dân sự để tuần tra cả vùng biển này. Hải quân Trung Quốc sẽ hành động nếu Bắc Kinh quyết chiếm biển Đông. Trung Quốc đang chơi một trò chơi lâu dài.
Bắc Kinh đang xây dựng lực lượng hải quân với mong muốn có ngày chiếm toàn bộ biển Đông. Cho tới thời điểm đó, Bắc Kinh vẫn sẽ sử dụng lực lượng dân sự để tìm cách thay đổi hiện trạng biển Đông.