Bà Clinton nói bà lo rằng TPP không đủ khả năng ngăn chặn nạn thao túng tiền tệ hoặc bảo vệ người tiêu dùng trước giá thuốc quá cao, theo Reuters.
"Rủi ro quá lớn khiến kết quả sẽ hại nhiều hơn lợi, bất chấp những nỗ lực lớn nhất của chúng ta" - bà phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở bang Iowa.
Bà Clinton từng ủng hộ TPP khi còn là ngoại trưởng dưới trướng Tổng thống Barack Obama.
Giới quan sát cho rằng việc phản đối này sẽ giúp bà Clinton nhận được sự hậu thuẫn từ các nghiệp đoàn và những người ủng hộ đảng Dân chủ có tư tưởng tự do - những người cho rằng TPP sẽ làm giảm việc làm và làm suy yếu luật về môi trường.
Đây là bước đi mới nhất của bà Clinton nhằm tạo sự khác biệt về các chính sách then chốt trước các đối thủ trong đảng như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Phó Tổng thống Joe Biden (nếu ông tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng).
Phát biểu nói trên được đưa ra chỉ một tuần trước cuộc tranh luận đầu tiên của các ứng viên đảng Dân chủ (ngày 13-10). Tỉ lệ ủng hộ của Clinton gần đây sụt giảm do những tranh cãi quanh việc bà sử dụng email cá nhân khi còn là ngoại trưởng.
Mỹ và 11 quốc gia khác đạt thỏa thuận về TPP hôm 5-10 sau hơn 5 năm đàm phán gian nan.
Thỏa thuận nhắm tới việc tự do hóa thương mại trong khu vực chiếm 40% nền kinh tế thế giới và được coi là thành công mang tính di sản của ông Obama. TPP cần được quốc hội Mỹ thông qua nhưng các nghị sĩ nước này đang tỏ ra thận trọng.
Không chỉ TPP, gần đây bà Clinton đi ngược lại nhiều chính sách khác của chính quyền Obama, như phản đối dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL, lập vùng cấm bay ở Syria và muốn thay đổi chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare.
Theo Reuters, những sự thay đổi này nhằm chuẩn bị cho cuộc đua tiềm tàng với ông Biden, vị phó tổng thống hết lòng ủng hộ ông Obama.
Về phần mình, Thượng nghị sĩ Sanders hoan nghênh bà Clinton cùng chung quan điểm phản đối TPP với ông song cũng lưu ý việc bà đột ngột thay đổi thái độ.