Hãng tin Associated Press ngày 5/7/2015 đăng tải bài viết của tác giả Matthew Pennington bình luận về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ trong tuần này. Infonet xin giới thiệu sơ lược nội dung bài viết.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có cuộc gặp Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Hoa Kỳ tuần này.
Phải tiết lộ thêm về một trong những lễ tiếp đón khác với ông Nguyễn Phú Trọng: Bữa tiệc tối được Phòng Thương mại Hoa Kỳ - vốn là pháo đài của doanh nghiệp tự do Mỹ - tổ chức.
Sự thúc bách của kinh tế đã đưa Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ sau chiến tranh cách đây 20 năm, và đó vẫn là động lực chính thúc đẩy mối quan hệ này.
Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ vào ngày 11/7/1995, sau khi dỡ bỏ lệnh áp đặt trừng phạt kinh tế kể từ chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, với chiến thắng của Việt Nam.
Nỗi đau của cả hai bên đã nhường chỗ cho những yêu cầu thiết thực. Xã hội Việt Nam đang định hình nền kinh tế của quốc gia mới thống nhất, và cần một bàn tay giúp đỡ.
Các doanh nghiệp Mỹ nhìn thấy cơ hội (ở Việt Nam) mà nếu không nhanh chóng có thể sẽ bị các đối thủ cạnh tranh ở châu Á và châu Âu chiếm giữ.
Ông Nguyễn Phú Trọng gọi chuyến công du Mỹ của mình vào ngày thứ Ba (7/7) là "một chuyến thăm lịch sử".
Ông cho biết, ông hy vọng Tổng thống Obama sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vào cuối năm nay. Tuy nhiên Nhà Trắng chưa xác nhận chuyến đi này.
Các quan chức Mỹ mong muốn đưa quan hệ với Việt Nam lên một cấp độ mới. Việt Nam có thể trở thành một trụ cột trong chính sách "trục" của ông Obama ở châu Á, đóng vai trò địa chính trị và kinh tế mạnh mẽ.
"Chúng tôi tin rằng một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, đồng thời là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ có lợi ích to lớn và trách nhiệm trong việc duy trì hoà bình cũng như sự ổn định trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương", Tổng Bí thư Việt Nam cho biết hôm thứ Sáu (3/7), trong một văn bản trả lời hãng tin Associated Press (AP).
Bằng ngôn ngữ ngoại giao thận trọng, ông Tổng bí thư cho biết ông hy vọng "Mỹ sẽ tiếp tục có tiếng nói và hành động phù hợp để góp phần giải quyết hoà bình các tranh chấp (ở Biển Đông) phù hợp với luật pháp quốc để để đảm bảo hoà bình và ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới".
Tham vọng của Mỹ vẫn là trở thành cường quốc quan trọng ở Thái Bình Dương, trong một vai trò lớn hơn, dùng sức mạnh vẽ một đường chắn đối với (sự bành trướng) của Trung Quốc.
Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại quỹ Heritage ở Washington bình luận, dù chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là dấu hiệu cho thấy khoảng cách lớn trong mối quan hệ Việt - Mỹ đang rút ngắn trong 40 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, nó không có nghĩa là sẽ có một liên minh như kỳ vọng.
"Việt Nam muốn cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, tất cả nhằm phục vụ lợi ích cũng như tầm nhìn chiến lược của Việt Nam", ông Lohman nói.
Ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
"Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới", Tổng Bí thư trả lời AP cho biết, "Trong nỗ lực này, chúng tôi chú trọng đến quan hệ với Hoa Kỳ - một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của chúng tôi".
Điều mà Washington đề nghị là mang lợi ích kinh tế đến Hà Nội, đặc biệt là thoả thuận chưa được hoàn thành - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Quá trình này có thể chỉ ra như sau: Từ năm 1995, thương mại Việt - Mỹ hàng năm tăng từ dưới 500 triệu USD đến 35 tỷ USD vào năm ngoái.
Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Thái Lan, trở thành nước xuất khẩu hàng hoá hàng đầu Đông Nam Á sang Hoa Kỳ.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "một phần cuộc thảo luận tại Hà Nội về tương lai của quốc gia...", Frank Jannuzi, một cựu quan chức Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ.
Hiện ông Jannuzi đang làm việc tại Mansfield Foundation có trụ sở tại Washington, cơ quan có nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ Mỹ - Á.
Thừa nhận vẫn còn sự khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam về các vấn đề dân chủ, nhân quyền và thương mại, các chuyên gia chính trị ở Mỹ vẫn khẳng định: "Chúng ta nên duy trì đối thoại một cách cởi mở, thẳng thắn và mang tính xây dựng để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp sự khác biệt và tận dụng tối đa tiềm năng hợp tác.
Chúng ta phải làm việc để đảm bảo rằng những khác biệt đó không gây trở ngại cho quan hệ song phương".