Sự thiếu hụt thông tin đầy “khó hiểu”
Trên mạng tin Triều Tiên NK News, nhà báo Mỹ Nate Thayer cho hay, khi giới truyền thông "sôi sục" với sự kiện Triều Tiên bị cáo buộc liên quan tới vụ tấn công mạng Sony Pictures, thì hãng tin Mỹ AP không có bất cứ thông tin nào từ văn phòng ở Bình Nhưỡng.
Cựu nhà báo CNN nhiều năm nghiên cứu về Triều Tiên, Mike Chinoy, nhận định: "Việc thiếu các thông tin về Sony từ AP Bình Nhưỡng thực sự đã nói lên tất cả.
Khi hãng tin phương Tây duy nhất ở Triều Tiên không đưa bất cứ thông tin gì liên quan tới câu chuyện được thế giới quan tâm hàng đầu trong tuần, thật khó để giả vờ rằng, văn phòng AP đó hoạt động bình thường".
Điều mà cả nhà báo Thayer và Chinoy đang nói đến là những nghi ngờ quanh việc AP bị Triều Tiên “mua chuộc”, mà vụ của Sony chỉ là một ví dụ.
Theo quan sát của ông Thayer, văn phòng AP ở Bình Nhưỡng đã không có bất cứ bài báo nào về sự biến mất bí ẩn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong suốt khoảng 6 tuần, kể từ đầu tháng 10.
Trả lời NK News, Matthew Miller và Jeffrey Fowle, 2 công dân Mỹ từng bị Triều Tiên bắt giữ cũng cho hay, họ đã từng được những người tự giới thiệu là phóng viên của AP tới ghi hình và phỏng vấn 9 lần, song rất ít tư liệu độc quyền trong số đó được công bố.
Fowle kể, ông đã từng trải qua 3 cuộc phỏng vấn với những người tự xưng là Nhóm AP Bình Nhưỡng, song không có ai trong số họ là người phương Tây.
"Tôi đã được hướng dẫn rất nhiều về việc phải nói gì trong tất cả các cuộc phỏng vấn với AP. Tôi và những người bắt giữ tôi đã luyện tập ít nhất 6 - 8 lần”.
“Về cơ bản, tôi được yêu cầu phải nhấn mạnh tình trạng tuyệt vọng của mình và rằng, hi vọng duy nhất là chính phủ Mỹ can thiệp. Họ muốn tôi khóc, nhưng tôi từ chối làm vậy".
Theo NK News, trong bài tường thuật phiên toà xử Miller ngày 14/11, cũng không có bất cứ câu trích dẫn trực tiếp nào từ anh, dù nó có sự tham dự của ít nhất 4 nhân sự AP Bình Nhưỡng.
Cả 2 cựu tù nhân Mỹ này đều xác nhận, các tư liệu về họ mà AP và APTN (truyền hình của AP) công bố đều đã được biên tập rất nhiều, nhằm loại bỏ các bình luận hoặc ngữ cảnh không đồng nhất với chiến lược chính trị Triều Tiên.
Jeffrey Fowle trong một cuộc trả lời phỏng vấn với AP ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2014.
NK News dẫn lời giám đốc truyền thông AP Paul Colford thừa nhận, APTN có tiến hành cuộc phỏng vấn ngày 1/8 với 2 cựu tù Mỹ, song họ không công bố tin tức hay hình ảnh bởi các tư liệu đó "không có giá trị thông tin".
Tuy nhiên, ông Chinoy cho rằng: "Việc AP không công bố thông tin nào về các cuộc phỏng vấn độc quyền tiếng tăm đó với các tù nhân Mỹ khơi lên những thắc mắc khó hiểu. Không thể nghĩ rằng một câu chuyện như vậy lại không đáng đăng tải, bất kể nó có thông tin gì".
Thoả thuận ngầm?
Bài báo của Thayer trên NK News đã dẫn ra bản dự thảo thoả thuận về đăng tải thông tin giữa AP và Triều Tiên năm 2011, cùng các cuộc phỏng vấn với nhiều nhân sự và cựu nhân sự của hãng tin này, nhằm xác minh thực hư.
NK News cho hay, tài liệu bí mật này do các nguồn tin bên trong AP cung cấp, còn các phóng viên được dẫn lời trong bài viết đều ẩn danh.
Theo tài liệu này, về cơ bản, văn phòng của AP ở Bình Nhưỡng được cho là đưa tin theo sự chỉ đạo và kiểm duyệt của Triều Tiên. AP đồng ý tiếp nhận 10 tin bài của Triều Tiên mỗi tháng để đăng tải trên trang của mình.
Mọi chỉnh sửa về mặt nội dung chỉ được thực hiện sau khi có “sự tham vấn đầy đủ giữa 2 bên”.
Một nguồn tin hiểu sự việc cho hay: “"Người Triều Tiên nói: "Không viết về lãnh đạo của chúng tôi - bất cứ chủ để nào khác chúng tôi cũng có thể chấp nhận"".
Trong thông báo mở văn phòng chính thức của AP tại Bình Nhưỡng, phó chủ tịch, trưởng ban quốc tế AP John Daniszewski khẳng định, văn phòng sẽ có 2 nhân sự là người Triều Tiên.
Song, NK News dẫn các nguồn tin cho hay, toàn bộ nhân sự Triều Tiên của AP Bình Nhưỡng đều được Thông tấn Triều Tiên KCNA chỉ định.
Một nhân viên cấp cao của AP nói: "Có một người mà AP muốn thuê hơn - một người phụ nữ đã từng phiên dịch cho AP trước đây - nhưng KCNA nói không".
Theo tài liệu mật nói trên, mức lương và tiền thuê văn phòng của AP ở Triều Tiên "trung bình là 12.000 USD/tháng". Một cựu nhà báo của AP tại châu Á cho hay, khoản này được trả bằng tiền mặt cho Rim Ho Dong, cố vấn các vấn đề nước ngoài của KCNA tại Bộ Ngoại giao".
Danh thiếp của nhiếp ảnh gia Triều Tiên làm việc cho AP. Ông này là một trong 2 phóng viên được cho là do KCNA chỉ định cho AP Bình Nhưỡng.
Theo NK News, các nhân sự của AP Bình Nhưỡng cũng trực tiếp chịu sự giám sát của Bộ An ninh Quốc gia.
Ken Gause, chuyên gia phân tích tình báo có uy tín về các cơ quan an ninh ở Triều Tiên nhận định, không có chuyện “Triều Tiên cho phép AP thu thập hoặc tiếp cận các thông tin độc lập khỏi sự kiểm soát của chính phủ Triều Tiên".
Nhà báo Chinoy cũng có quan điểm tương tự. "Với các phóng viên Triều Tiên làm việc cho AP, không thể nghĩ tới việc sẽ làm công việc đó mà không có quan hệ với, hoặc gần như có thể là làm việc trực tiếp cho các cơ quan an ninh.
Người Triều Tiên đang sử dụng AP? Tất nhiên. AP sẽ khiến mình gặp rắc rối nếu cố gắng nói rằng hoạt động thu thập tin tức của họ không bị cảnh sát bí mật của Triều Tiên kiểm soát chặt chẽ".
Bài báo cũng dẫn lời phát ngôn viên của hãng tin Đức DPA Christian Röwekamp, xác nhận thông tin về sự kiểm duyệt này.
Theo NK News, Trưởng văn phòng AP Bình Nhưỡng, Eric Talmadge, từng nói rằng: Khoảng cách giữa những gì chúng tôi muốn làm và những gì chúng tôi có thể làm thực sự vẫn còn rất đáng kể".
AP phản bác
Trước những cáo buộc nói trên, giám đốc truyền thông AP Paul Colford đã lên tiếng bác bỏ. Ông cũng khẳng định, bài vở của hãng tin này "không phải nộp cho bất cứ cơ quan chức năng Triều Tiên nào xem xét".
Trả lời phỏng vấn tờ Foreign Policy, ông Colford cực lực chỉ trích bài báo của NK News "đầy lỗi sai, không chính xác và nói bóng gió một cách vô căn cứ".
"Tôi phải nói lời cuối cùng. Chúng tôi rõ ràng là không lên Craigslist (một trang web tuyển dụng) để tìm ứng viên ở Bình Nhưỡng, nhưng đội ngũ nhân viên mà chúng tôi có hôm nay là quyết định của AP".
Ông Colford cũng tố tác giả bài báo có thái độ “bất mãn” và ám chỉ rằng ông Thayer có thù hằn cá nhân với AP.
Trước đó, Phó chủ tịch, Tổng biên tập AP Kathleen Carroll từng khẳng định rằng: "Chúng tôi không mở văn phòng nếu không thể hoạt động theo cách mà chúng tôi muốn".