Ai đã xuyên tạc trắng trợn sự thật về bức ảnh "Em bé Napalm"?

Phan Hồng Hà |

Một bài viết cáo buộc “phi công Bắc Việt” ném bom napalm xuống ngôi làng trong bức ảnh nổi tiếng của Nick Ut đang gây làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng Việt Nam.

“Ai ném bom xuống ngôi làng của ‘em bé napalm’”?

Trang Sputnik News phiên bản tiếng Việt (trước đây là Tiếng nói nước Nga) ngày 8/3/2015 vừa qua đã đăng tải bài viết của nhà báo Alexei Syunnerberg với tựa đề “Ai ném bom xuống ngôi làng của ‘em bé napalm’”?

Trong bài viết này, tác giả cho biết trang web “Ukraine Today” của Ukraine hôm 5/3 đã đăng một bài báo có những thông tin xuyên tạc trắng trợn, đổ lỗi cho quân đội miền Bắc Việt Nam trong sự kiện xảy ra ở Trảng Bàng, Tây Ninh 44 năm về trước.

 
Alexei syunnerberg
Alexei Syunnerberg sinh tại Moscow năm 1944. Ông tốt nghiệp Viện Các nước Á-Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow, chuyên gia về lịch sử và các vấn đề đương đại của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Ông thành thạo tiếng Việt và tiếng Pháp. Bắt đầu làm việc tại Đài phát thanh từ năm 1966, những năm 1989-2009, Synnerberg liên tục là Trưởng ban Việt ngữ, hiện nay là phóng viên. Ông được trao tặng Huy hiệu Kỷ niệm “Vì sự nghiệp phát thanh Việt Nam”

Tác giả Alexei Syunnerberg viết trong bài báo:

Ngày 5 tháng 3, trên trang web ‘Ukraine Today’ đã xuất hiện bức ảnh nổi tiếng - cô bé Kim Phúc đang trong tình trạng khỏa thân sau khi quần áo và da thịt em bị những giọt napalm nóng bỏng đốt cháy.

Vào những năm 70, bức ảnh này chụp được trong thời gian chiến dịch càn quét của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đã gây chấn động trên toàn thế giới, sau đó có làn sóng phản đối các tội phạm chiến tranh của Mỹ trên đất Việt, phản đối cuộc chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam.

Nhưng, trang web của Ukraine đã đăng tải bức ảnh này không phải để nhắc nhở với toàn thế giới về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và các nạn nhân của nó.

Trang web của Ukraine không chịu chấp nhận sự thật rằng, chiến thắng của các lực lượng yêu nước ở Việt Nam gắn liền chặt chẽ với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, gồm cả viện trợ quân sự.

Và đây, trang điện tử của Ukraine cho biết, cô bé Kim Phúc là nạn nhân của quân đội Bắc Việt.

Bài bình luận công bố trên trang web Ukraine nhận định rằng, phi công Bắc Việt đã ném bom napalm xuống những người dân đang bỏ chạy khỏi đám cháy ở làng Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, mà trong đó có cả em bé Kim Phúc.

Quả thật, đối với những người này không có gì thiêng liêng, họ có thể sử dụng bi kịch của em bé Việt Nam để kích động làn sóng chống Nga.

Chỉ có những người bị mất khả năng suy nghĩ, không nhớ lịch sử nước mình mới có thể tin vào những thông tin như vậy.

Hy vọng rằng, trong số các bạn thính giả của đài chúng tôi và những người truy cập trang web của chúng tôi không có những người như vậy”.

Ảnh chụp màn hình trên trang Sputnik News

Ảnh chụp màn hình trên trang Sputnik News

Như Alexei Syunnerberg đã viết, bức ảnh “Em bé Napalm” của nhiếp ảnh gia Nick Ut của hãng AP, chụp ngày 8/6/1972 đã nổi tiếng toàn thế giới. Không chỉ đoạt giải Pulitzer, bức ảnh này còn lọt vào nhiều danh sách các bức ảnh ấn tượng nhất thế kỷ XX.

Ai là thủ phạm ném bom napalm xuống Trảng Bàng, gây nên những hậu quả thảm khốc, điều này đã rõ từ lâu. Nhân chứng và nhiều tài liệu lịch sử cho thấy, đó là máy bay của Không lực Việt Nam Cộng hòa.

Thế nên thông tin xuyên tạc sự kiện lịch sử Việt Nam nêu trên không thể không khiến cho các độc giả phẫn nộ.

Sự phẫn nộ này được thể hiện rõ trên các diễn đàn, mạng xã hội trong mấy ngày qua.

“Phi công máy bay Việt Nam” thành “Phi công Bắc Việt”?

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trang “Ukraine Today” có đăng một bài viết về bức ảnh “Em bé Napalm” với tiêu đề “Sự dối trá của TASS về Việt Nam”.

Ảnh chụp màn hình bài viết trên Ukraine Today

Ảnh chụp màn hình bài viết trên Ukraine Today

Bài báo này được đưa về từ gulag.ipvnews - một trang cực đoan bài Nga và xuyên tạc lịch sử trắng trợn, như phủ nhận Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

Đoạn mở đầu bài báo này viết:

Ngày 8 tháng 6, 1972 tại làng Trảng Bàng phía tây bắc Sài Gòn xảy ra trận đánh giữa đội quân của Bắc Việt và Nam Việt Nam.

Một số thường dân chạy thoát khỏi quân Bắc Việt, rời làng và chạy về phía quân chính phủ. Phi công máy bay Việt Nam nhầm tưởng dân làng là lính đối phương đã ném xuống họ mấy quả bom napalm”.

Cần phải nói thêm rằng, mục đích chính của bài báo này là chỉ trích hãng tin TASS của Liên Xô trước đây, khi chỉ đưa mỗi bức ảnh nổi tiếng trên, mà không đưa thêm bức ảnh sau của Nick Út.

Đó là bức ảnh chụp cảnh mà họ mô tả là “Kim Phúc được ‘những người lính Mỹ’ giúp đỡ ( rồi sau đó được đi cứu chữa ở quân y viện Mỹ). Bài báo kết tội truyền thông Xô viết, coi đó như một thứ tuyên truyền “tẩy não”.

Bức ảnh này (ảnh nhóm quay phim và lính Mỹ giúp đỡ Kim Phúc - ND) không bao giờ xuất hiện trên báo chí Xô-viết, bởi vì giả thuyết chính thống nói rằng, các trẻ em trong bức ảnh nổi tiếng kia chạy trốn khỏi lính Mỹ đang thảm sát trong làng.

Nhưng trên thực tế mọi chuyện lại hơi khác”, bài viết đăng trên “Ukraine Today” viết.

Chưa bàn đến những luận điểm của bài báo mà mục đích đã thấy rõ, nhiều bạn đọc Việt Nam biết tiếng Nga khi tiếp cận với nguyên bản đều thắc mắc: Trong bài báo này sao chẳng thấy cụm từ “phi công Bắc Việt”, mà chỉ đọc thấy “phi công máy bay Việt Nam” trong đoạn mở đầu.

Trên các diễn đàn, rồi các nhóm trên mạng Facebook, các cư dân mạng đã nêu thắc mắc này, thậm chí còn nổ ra những tranh cãi, rồi kết tội khá gay gắt.

Vậy, tại sao Alexei Syunnerberg lại viết trên Sputnik News là trang “Ukraine Today” đổ tội cho “phi công Bắc Việt” ném bom napalm xuống Trảng Bàng?

Có sự nhầm lẫn gì đây khi chuyển ngữ chăng?

Thật khó để điều đó xảy ra. Bởi tác giả Alexei Syunnerberg là một nhà báo giàu kinh nghiệm (sinh 1944), rất giỏi tiếng Việt, từng giữ chức Trưởng Ban tiếng Việt của Đài Tiếng nói nước Nga hơn 20 năm liền.

Một chi tiết đáng chú ý khác là: Trong bài báo của Alexei Syunnerberg đăng trên Sputnik News có ghi: “Ngày 5 tháng 3, trên trang web ‘Ukraine Today’ đã xuất hiện bức ảnh...” .

Thế nhưng bài báo “Sự dối trá của TASS về Việt Nam” mà chúng tôi tìm thấy, và hiện đang được nhiều cư dân mạng Việt Nam tranh luận, đã được đăng trên “Ukraine Today” từ ngày 9/8/2008. Tức gần 7 năm về trước.

Để tìm hiểu thêm thông tin đằng sau tất cả những uẩn khúc này, thông qua một đồng nghiệp hiện đang ở Moscow, chúng tôi đã liên hệ được với nhà báo Alexei Syunnerberg, tác giả bài báo của Sputnik News.

Ông đã đồng ý cung cấp thêm tài liệu, hình ảnh và trả lời phỏng vấn của chúng tôi xung quanh sự việc này.

Các thông tin mới sẽ được chuyển tới bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại