Ác mộng lớn nhất của Trung Quốc chính là... Trung Quốc!?

Đức Huy |

Trong bài phân tích đăng trên tạp chí The Diplomat, chuyên gia Kerry Brown đánh giá sự "khó đoán" của Trung Quốc đã, đang và sẽ là rào cản lớn nhất của nước này trong tương lai.

"Ổn định và dễ đoán"

Với sự trỗi dậy về kinh tế cùng tầm ảnh hưởng ngày một gia tăng trên sân chơi địa chính trị toàn cầu trong 3 thập kỉ qua, Trung Quốc đã thể hiện một hình ảnh khá phức tạp trong quan hệ với thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, nhưng theo ông Brown, dù khó đoán là vậy, nhưng Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn áp dụng một nguyên tắc cơ bản nhất định trong đối ngoại. Họ luôn tìm kiếm một điểm chung ở các đối tác lớn, dù đó là Mỹ, EU, hay Nga, điều Bắc Kinh muốn là sự ổn định và dễ đoán.

Giáo sư - nhà nghiên cứu
Kerry Brown
Giáo sư Brown hiện đang giảng dạy tại Học viện Nghiên cứu Chính trị Trung Quốc thuộc trường Đại học Sydney (Australia). Ông cũng đồng thời là trưởng nhóm Mạng lưới Nghiên cứu và Cố vấn về các vấn đề Trung Quốc của châu Âu (ECRAN) do EU tài trợ.

Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc bắt đầu thời kì "mở cửa" với việc phát triển quan hệ ngoại giao với thế giới bên ngoài, mở đầu bằng việc biến quan hệ hòa hoãn (detente) với Mỹ trở thành quan hệ ngoại giao toàn diện vào năm 1979.

Trong những năm 80 và 90, Trung Quốc gần như không động tới quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ. Khi đó, tâm lý lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy vị thế Trung Quốc vẫn còn quá mỏng manh trên trường quốc tế, và hạ quyết tâm phải lấy lại những gì đã mất trong "bách niên quốc sỉ".

Tư duy "ẩn mình, chờ thời" của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã được Trung Quốc áp dụng triệt để trong hơn 30 năm tập trung phát triển nội lực.

Nhiều thập kỉ tập trung phát triển nội lực và xây dựng quan hệ với các cường quốc đã giúp Trung Quốc gặt hái được thành quả như hiện nay. Trung Quốc đã giàu hơn, có tiếng nói hơn, và giành thắng lợi trên nhiều mặt trận mà không phải "động chân động tay".

Nói như chuyên gia Brown, Trung Quốc đã thấm nhuần tư tưởng Tôn Tử, và thành công trong việc "chinh phục thế giới bằng tàu thương mại thay vì tàu chiến".

Nhưng để đạt được điều đó, Trung Quốc phải cảm ơn khá nhiều yếu tố ngoại cảnh, trong đó rõ nhất là tình hình khu vực hết sức yên bình xung quanh đất nước đông dân nhất thế giới.

Ngoài những lần "sẩy chân" như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1988 khiến láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc lao đao, Trung Quốc nhìn chung không phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bất kì sự kiện bất ổn nào xung quanh họ trong suốt những năm phát triển nội lực.

Những thay đổi tại các nước đối tác lớn của Trung Quốc như Mỹ-Nhật-Hàn không phải là thay đổi thể chế chính trị mà đơn giản chỉ là thay đổi trong bộ máy chính phủ. Viễn cảnh về một cuộc cải cách quy mô lớn ở các quốc gia nói trên gần như không thể xảy ra.

Do đó, Bắc Kinh có thể yên tâm hợp tác với các nước này trong nhiều lĩnh vực quan trọng, mặt khác "rảnh tay" mở rộng tìm kiếm đối tác ở các khu vực khác trên thế giới như châu Phi hay Mỹ Latin, qua đó mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Trung Quốc đang cản trở chính... Trung Quốc

Theo ông Brown, có thể nói sự thật đáng buồn với Trung Quốc là sự "khó đoán" trong nội bộ nước này, chứ không phải những thế lực ngoại bang, lại chính là vật cản lớn nhất trên con đường phát triển của họ.

Các chính trị gia phương Tây thường khen lãnh đạo châu Á rất giỏi "tính kế lâu dài", nhưng theo ông Brown, phải hiểu rằng lãnh đạo các nước như Anh, Mỹ, Đức, hay Australia nghiễm nhiên được đặt vào hoàn cảnh "dễ thở" hơn rất nhiều so với những người đồng cấp ở Trung Quốc.

Những Barack Obama hay David Cameron nhìn chung không phải quá bận tâm về các vấn đề như cải cách hệ thống thuế, hệ thống pháp lý, hay những yếu tố cơ bản trong điều hành chính phủ, vì hiến pháp của họ có thể đảm bảo được sự ổn định.

Nói như vậy không có nghĩa là phương Tây không phải trải qua cải cách, nhưng cường độ cũng như tần suất của những dự luật cải cách ở Mỹ không thể so sánh với Trung Quốc, nơi hai chữ "cải cách" được nhắc tới gần như trong mọi cuộc họp.

Do đó, lãnh đạo phương Tây tập trung vào giải quyết những vấn đề mang tính ngắn hạn ở tầm nhỏ hơn. Đây là một điều "xa xỉ" mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc dù rất muốn nhưng chưa từng và nhiều khả năng sẽ không bao giờ có thể có được.

Điều này cũng không lấy gì làm khó hiểu, vì tại một đất nước với gần 1,5 tỉ dân, đòi hỏi tất cả cùng quy về một mối là một nhiệm vụ có thể khẳng định là "bất khả thi".

Vì thế, không ai có thể đoán trước hệ thống chính trị Trung Quốc sẽ ra sao trong một thập kỉ, như có thể thấy trong sự khác biệt rõ rệt giữa Trung Quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào và Trung Quốc do Tập Cận Bình điều hành.

Nói tóm lại, theo ông Brown, việc Trung Quốc đầu tư và tạo tầm ảnh hưởng tại Australia hay Mỹ phải được hiểu là do Bắc Kinh muốn tìm sự ổn định, thay vì minh chứng cho việc nước này đang muốn mở rộng ảnh hưởng để ép thế giới học theo hệ thống của Trung Quốc.

"Một thế giới với những bản sao của Trung Quốc sẽ thật sự là ác mộng lớn nhất của chính Trung Quốc" - chuyên gia Brown kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại