Tân Hoa Xã dẫn thông báo từ Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL) cho biết giàn khoan Hải Dương 981 "đã hoàn thành tác nghiệp" (trái phép - PV) ở vùng biển gần đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - PV) vào ngày 15/7.
Trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16/7 cũng chính thức xác nhận việc này.
Toàn bộ tàu Trung Quốc đã di chuyển theo giàn khoan về Hải Nam. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Trước đó, ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Như vậy, tính đến hôm nay (16/7) là tròn 75 ngày mà Trung Quốc ngang ngược với các hoạt động trái phép của mình.
Trong suốt 75 ngày đó, Trung Quốc đã bị “nướng” trên lò dư luận bằng hàng loạt chỉ trích dữ dội của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thượng viện Mỹ gay gắt yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
Hôm 10/7, Thượng viện Mỹ hoàn toàn nhất trí thông qua nghị quyết số hiệu S.RES.412 về tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương.
Theo nội dung đăng trên website quốc hội Mỹ Congress.gov, nghị quyết trên được Thượng viện đưa ra vào tháng 4/2014 và đến cuối tháng 5 thì được điều chỉnh lại để bổ sung cho phù hợp với các diễn biến tình hình mới, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam từ ngày 2/5/2014. Điểm 4 của nghị quyết này ghi rõ: “Kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và mọi lực lượng ra khỏi các vị trí hiện tại, ngưng mọi hoạt động trên biển trái với Công ước về các quy định ngăn chặn va chạm trên biển (COLREGS) của Tổ chức Hàng hải quốc tế và trả mọi thứ trở lại nguyên trạng như trước ngày 1/5/2014”.
Thượng nghị sĩ John McCain cũng nêu quan điểm: “Thượng viện và người dân Mỹ đứng về phía các đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi họ tìm cách giải quyết tranh chấp chủ quyền biển và lãnh thổ một cách hòa bình. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ trích nỗ lực đơn phương của Trung Quốc thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực và ép buộc”.
Trước đó, ngày 28/5, trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại tại Học viện quân sự West Point, New York (Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: Mỹ sẵn sàng đáp trả các hành vi “gây hấn” của Trung Quốc với các láng giềng trong khu vực; đồng thời nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các nước Đông Nam Á tiến hành đàm phán với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Ngày 16/5, Nhà Trắng tuyên bố quyết định hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tại Biển Đông là hành động khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tổng thống Philippines: “Trung Quốc đang khơi mào một động thái vô cùng nguy hiểm”
Trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính của Anh, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, cho thấy Bắc Kinh có thể tiếp tục có các hành động tương tự gây bất ổn tại khu vực.
Ông cho rằng, Trung Quốc đang khơi mào một động thái vô cùng nguy hiểm, có thể vượt quá tầm kiểm soát, gây tổn hại tới các mối quan hệ ngoại giao và có nguy cơ biến thành xung đột. Vị Tổng thống này kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động đơn phương, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 mà Bắc Kinh là một bên tham gia ký kết. Ông cũng hối thúc các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tiếng nói mạnh mẽ và rõ ràng hơn về cách giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Học giả Anh: Trung Quốc thách thức nghiêm trọng khu vực
Theo TTXVN, ông Edward Schwarck, Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam và các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Xét dưới nhiều góc độ khác nhau thì những tuyên bố hoặc quyết định triển khai hoạt động thăm dò dầu lửa ở Biển Đông đều đi ngược lại với chính sách cho đến thời điểm này của Chính phủ Trung Quốc.
Đức: Chuyên gia khẳng định Trung Quốc có động cơ chính trị
Tiến sỹ Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị ở Berlin cho rằng, Trung Quốc có động cơ chính trị khi tiến hành hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần bờ biển Việt Nam. Hành động nêu trên của Trung Quốc không phải là việc làm đầu tiên của nước này nhằm thực hiện yêu sách lãnh thổ chiếm tới gần 80% tổng diện tích biển Đông với đường chín đoạn của họ.
Ông này khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng vi phạm các quy định về luật biển quốc tế mà chính Trung Quốc đã ký kết, cũng như vi phạm DOC mà các nước ASEAN và Trung Quốc ký tháng 11/2002. Theo thông tin trên tờ Vietnam+.
Tướng Pháp: Hành động của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông
Theo báo Tin Tức, tướng Daniel Schaeffer, nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một nhà nghiên cứu về Biển Đông có uy tín nhận định, Bằng hành động đưa giàn khoan tới cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền của mình đồng thời vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam.
Hành động này là một bước đi mới trong tổng thể các hành động nhằm độc chiếm Biển Đông bằng đường chín đoạn mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó.
Trước hành động vi phạm quyền chủ quyền một nước như vậy, nếu cộng đồng quốc tế không làm gì để phản đối âm mưu này, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi, bởi những va chạm nhỏ ban đầu sẽ dần dần trở thành sự đã rồi, bản chất vấn đề nằm ở chỗ đó.
Quan chức ngoại giao Italia: Trung Quốc muốn thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc cực đoan
Cựu quan chức ngoại giao Italia Sergio Romano nhận định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam cho thấy Trung Quốc không chỉ có mưu đồ độc chiếm biển Đông mà còn muốn thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc cực đoan và giấc mộng “đế quốc”. Đồng thời tình hình vừa qua cũng cho thấy sự bất khuất của Việt Nam.
Ông cho rằng, trong vấn đề lãnh thổ, Trung Quốc vẫn còn “giữ tư tưởng của thời kỳ phong kiến, xem các quốc gia láng giềng là nước chư hầu”.
Thủ tướng Nhật Bản: Hành động của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 13 diễn ra tại Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục khẳng định rõ ràng rằng, những hành động quân sự và trên biển của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Nhật Bản sẽ không bao giờ dung thứ cho những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, vụ việc căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông là do hành động đơn phương từ phía Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu tại Tokyo như sau: “Tôi xem vụ việc này như một ví dụ điển hình cho những hành động khiêu khích tự phát và liên tục trên biển của Trung Quốc”.
Chuyên gia Singapore: "Kịch bản nguy hiểm" của Trung Quốc
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Singapore cho biết, nước này kêu gọi các bên tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Tiến sĩ Ian Storey của Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Singapore cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động tại vùng biển Việt Nam là một "kịch bản nguy hiểm" cho các nước xung quanh. Ông này nhấn mạnh: “Chúng ta đang có nguy cơ sẽ phải đối mặt với một kịch bản vô cùng nguy hiểm”.
Indonesia: Trung Quốc phải thực hiện cam kết mà họ thường đưa ra
Theo thông tin trên tờ Tuổi Trẻ, ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã lần lượt phản bác một số quan điểm từng được Trung Quốc dùng để ngụy biện cho hành động gây căng thẳng với Việt Nam tại khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5/2014. Ông Marty Natalegawa đã gián tiếp phê phán Trung Quốc vi phạm bản Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Vị này đồng thời nhấn mạnh: "Trung Quốc phải thực hiện cam kết mà họ thường đưa ra là thực thi DOC, Trung Quốc tự kiềm chế là điều rất cần thiết".