Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Xuân Bình - phó giám đốc chi nhánh BOT Sông Phan (thuộc Tổng công ty 319, là đơn vị quản lý, khai thác dự án) - cho biết sau hơn một năm rưỡi khai thác, trên mặt đường bêtông nhựa có một số vị trí bị hằn lún, tập trung vào các điểm xung yếu như vị trí dừng đèn đỏ tập trung xe dừng đỗ kéo dài, nhất là các hướng có đông xe.
Những khu vực bị hư hỏng rải đều trên quốc lộ 1 đoạn qua Đồng Nai
Hằn lún xảy ra theo từng đoạn, chủ yếu ở km1793 +300 và km1794 của tuyến đường.
"Theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT, nhà đầu tư theo dõi quan sát và xử lý kịp thời những vị trí sâu hơn 2,5cm bằng cách cào tạo phẳng để đảm bảo an toàn giao thông. Những vị trí hằn lún nhẹ hơn thì tiếp tục theo dõi.
Để khắc phục triệt để, chúng tôi cũng đã thành lập tổ chuyên trách để khảo sát, đánh giá lại giải pháp thiết kế, các nguyên nhân, yếu tố của việc hằn lún vệt bánh xe để đưa ra giải pháp" - ông Bình cho biết.
Bước đầu các đơn vị đánh giá nguyên nhân chính xảy ra hằn lún là do các yếu tố khách quan dừng đỗ kéo dài; đường có 2 làn xe nên xe chỉ đi theo một vệt dẫn đến tải trọng lớn.
Bên cạnh đó, một yếu tố cần đánh giá lại là nhiệt độ mặt đường kết hợp với tác động của xe quá tải. Bởi vì theo tiêu chuẩn hiện nay nhiệt độ hóa mềm của nhựa đường là 46oC, những ngày nắng nóng nhiệt độ mặt đường đo được lên tới 72oC.
Trong khi đó, đường được thiết kế chịu tải trọng trục xe là 10 tấn/trục nhưng hiện nay kết quả cân xe trên tuyến đường cho thấy xe có tải trọng trục 20, 30 tấn/trục tương đối phổ biến.
Ông Bình cho biết đến nay nhà đầu tư đã xử lý vệt hằn lún trên khoảng 2km để đảm bảo giao thông theo chỉ đạo của Bộ GTVT cứ đoạn nào sâu hơn 2,5cm thì tổ chức cào tạo phẳng ngay.
"Trên tuyến đường, có những đoạn xung yếu được thí điểm bêtông nhựa polymer có nhiệt độ hóa mềm 800C, đến nay không bị hằn lún.
Chúng tôi cũng đang xem xét đề xuất thay bêtông nhựa thường ở các vị trí xung yếu bằng bêtông nhựa có phụ gia, polymer nhằm có khả năng chống hằn lún tốt hơn.
Các kết quả đánh giá về thi công và nghiệm thu của Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải cho thấy hỗn hợp bêtông nhựa và việc thi công đạt yêu cầu.
Chúng tôi đang lập hồ sơ đệ trình Bộ GTVT để xem xét chấp thuận cho một số đoạn bổ sung sử dụng bêtông nhựa polymer" - ông Bình cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Triệu Khắc Dũng - phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) - cho biết dự án xảy ra hằn lún chủ yếu ở hai nút giao thông tại khu tam giác Xuân Lộc.
Bộ GTVT đã có chỉ đạo nhà đầu tư 319 có kế hoạch xử lý, đảm bảo an toàn giao thông ở những nơi lún sâu hơn 2,5cm và tiếp tục theo dõi, đề xuất phương án xử lý triệt để.
Đang khắc phục các vết lún trên quốc lộ 51
Cũng trong ngày 11-5, PV Tuổi Trẻ đã trở lại quốc lộ 51 đoạn từ ngã ba Vũng Tàu (Biên Hòa, Đồng Nai) đến ngã ba Ngãi Giao (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) nơi người dân phản ảnh về tình trạng sụt lún.
Qua ghi nhận, ngoài những vị trí mà Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - chủ đầu tư dự án xây dựng mở rộng quốc lộ 51) đã và đang khắc phục như kiến nghị của các cơ quan hữu quan thì còn xuất hiện thêm nhiều vị trí lún mới.
Cụ thể, những đoạn lún mà chúng tôi ghi nhận trong chiều cùng ngày như các ngã ba vào cảng Gò Dầu A, Gò Dầu B, đoạn đi qua chợ Long Phú, ấp 1 của xã Phước Thái (huyện Long Thành), ngã ba Khu công nghiệp Mỹ Xuân (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Những vị trí lún này thường mỗi đoạn kéo dài khoảng 30-100m, tạo ra hai rãnh lún song song và trồi lên với chiều rộng bằng bề ngang xe tải, nằm toàn bộ trong làn đường dành cho xe tải.
Trả lời bao giờ khắc phục xong sụt lún trên quốc lộ 51, ông Chu Văn Thanh - phó tổng giám đốc BVEC - cho biết đang khắc phục những vị trí hằn lún mà Cục Quản lý đường bộ IV và Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị gần một năm nay.
Hiện công ty đã khắc phục được một số đoạn và đang trong quá trình thực hiện sửa chữa những vị trí tiếp theo.