Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ trước Quốc hội tháng 4/2016.
Tiếp tục chương trình phiên họp 53, ngày 23/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Trình bày báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến kỳ họp 11 sẽ khai mạc vào ngày 24/3, bế mạc vào ngày 7/4.
Nội dung kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày, tập trung thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội; xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Thời gian còn lại, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác, trong đó dự kiến dành 6,5 ngày cho công tác nhân sự.
Về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, công tác chuẩn bị cho việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo bộ máy Nhà nước phải làm rất khẩn trương, khoa học từ in phiếu phải bảo đảm chính xác, kịp thời, đến việc xử lý hồ sơ, kể cả kê khai tài sản của người được giới thiệu.
Cùng với đó, các lãnh đạo Quốc hội không tái cử cũng sẽ nghỉ theo quy định, vì vậy phải kiện toàn trước đối với các chức danh lãnh đạo, sau đó kiện toàn đến các vị trí khác, đảm bảo điều kiện về số lượng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoạt động liên tục, kế thừa.
Theo bà Phóng, các lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không vào Trung ương khoá này thì phải kiện toàn. Riêng hai vị trí của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, hai nhân sự dự kiến thay thế hiện chưa phải đại biểu Quốc hội, thì ông Đỗ Bá Tỵ và ông Võ Trọng Việt tiếp tục duy trì cho đến khi bầu đại biểu Quốc hội khóa mới.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp này sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước, và tới đây Đảng đoàn Quốc hội họp sẽ bàn, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến. Trên tinh thần đó, bà Ngân đề nghị, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào công việc còn lại của mình chuẩn bị chu đáo để khi bàn giao bảo đảm sự tiếp nối như “dòng chảy liên tục, không bị tắc chỗ nào”.
“Theo Luật Tổ chức Quốc hội, những chức danh Quốc hội bầu rồi, đã thông qua nghị quyết là có hiệu lực ngay chứ không phải phê chuẩn nữa và người đó tiếp nhận công việc ngay. Chủ tịch mới bầu rồi phải lên điều hành ngay, tuyên thệ rồi là lên vị trí điều hành chứ không chờ nữa”, bà Ngân nhấn mạnh. Tuy nhiên, với những đại biểu Quốc hội sau khi không giữ chức danh lãnh đạo thì vẫn là đại biểu cho đến khi bầu đại biểu Quốc hội khoá mới.
Ở nhiệm kỳ trước, sau Đại hội XII của Đảng, Quốc hội đã tiến hành kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt vào cuối nhiệm kỳ, với việc bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.