Sửa chữa trong ngõ thì biết, còn cao ốc vi phạm lại không
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phản ánh việc cử tri cho rằng, người dân sửa chữa nhà trong ngõ sâu Thanh tra xây dựng vẫn nắm được. Vậy mà, có những công trình sai phạm lớn, nằm ngay ở mặt đường thì lại không bị phát hiện.
“Liệu có tham nhũng, tiêu cực trong trường hợp này? Ngoài trách nhiệm của địa phương, với trách nhiệm quản lý, Bộ trưởng có những giải pháp nào để xử lý nghiêm việc này?”, bà Thủy đặt vấn đề.
Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) hỏi quan điểm của Bộ trưởng về việc giải quyết sai phạm, vi phạm trật tự xây dựng, nhất là việc xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm, hoặc dung túng, “bảo kê” cho vi phạm…
“Nhìn chung công trình sai phép, không phép đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp. Việc phát hiện vi phạm có thời điểm không kịp thời, việc xử lý vi phạm có trường hợp chưa nghiêm, còn chậm”.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Trước những câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các vi phạm về xây dựng là vi phạm rất khó khắc phục hậu quả. Trường hợp buộc phá dỡ các công trình vi phạm có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội. Do đó giải pháp phát hiện, khắc phục, phòng ngừa từ xa luôn là ưu tiên. Theo thống kê, năm 2020, số công trình sai phép, không phép chiếm tỉ lệ 23,8% trong tổng số cuộc kiểm tra, thanh tra; năm 2021, con số này là 13,4%; 6 tháng năm 2022 là 7,1%.
Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung hoàn thiện pháp luật để xử lý các hành vi vi phạm trong xây dựng; tăng cường trách nhiệm địa phương; tăng cường thanh tra kiểm tra; xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra vi phạm mà không xử lý hoặc xử lý không kịp thời.
Nhiều chung cư trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) phá vỡ quy hoạch. Ảnh: Như Ý
Ngập úng, kẹt xe do điều chỉnh quy hoạch?
Dẫn ví dụ phá vỡ quy hoạch “chồng” chung cư hai bên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), đại biểu Lý Văn Huân (Thái Nguyên) bày tỏ bức xúc với thực trạng xây dựng nhà chung cư ở các đô thị lớn có nhiều bất cập. Ông cho rằng vi phạm này “phá vỡ quy hoạch tầm chiến lược và mất cảnh quan đô thị” và đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu giải pháp.
Trả lời, ông Nghị thừa nhận trong quá trình điều chỉnh quy hoạch ở một số địa phương, có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, chưa đảm bảo yêu cầu, quy chuẩn của quy hoạch, dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Nguyên nhân do công tác rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời; trong quá trình đánh giá thì nội dung đánh giá chưa đầy đủ, chưa thấu đáo. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong điều chỉnh quy hoạch cũng chưa được chú ý đúng mức, nặng tính hình thức. “Có tình trạng điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch cục bộ do mong muốn thu hút đầu tư hoặc cũng do áp lực từ phía nhà đầu tư dẫn đến không tính đến sự phù hợp, khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị”, ông Nghị nói.
Về trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trước hết thuộc về các cơ quan lập, thực hiện và điều chỉnh quy hoạch; trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước đã thiếu đôn đốc. Bộ Xây dựng chưa kịp thời rà soát, bổ sung kịp thời quy định pháp luật, đảm bảo quy định chặt chẽ hơn trong điều chỉnh quy hoạch cũng như thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm. Vì thế, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định, đảm bảo chặt chẽ trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch; quy định rõ hơn trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Phản ánh về tình trạng ngập úng đô thị đang xảy ra ở khắp nơi, từ những khu vực cao như Sa Pa, Lào Cai, Đà Lạt cho đến TPHCM, Nha Trang, Cần Thơ, hay “Hà Nội cứ mưa là ngập”; cùng với đó, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra từ lâu nhưng chưa thấy hướng ra, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị cần có giải pháp giải quyết.
Bộ trưởng Xây dựng cho biết, tình trạng ngập úng, kẹt xe ở các đô thị lớn, dù được các địa phương quan tâm nhưng vẫn chưa giải quyết được căn bản, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tác động của điều kiện tự nhiên, khí hậu; do quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng dẫn đến lấp hồ ao, kênh rạch, diện tích bề mặt bị bê tông hoá ngày càng tăng, khả năng tiêu thoát nước giảm xuống…
Trong khi đó, công tác quy hoạch chưa đáp ứng tầm nhìn; nguồn lực đầu tư chưa đảm bảo yêu cầu… Vì thế, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, trong đó có tính tới biến đổi khí hậu, đầu tư hạ tầng cho đô thị. Bộ Xây dựng tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.
Giá nhà ở xã hội bao giờ mới hạ?
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giá nhà ở xã hội quá cao so với thu nhập của công nhân, người có thu nhập thấp (bình quân 15 triệu đồng/m2, có nơi đến 21-25 triệu đồng/m2), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nguyên nhân do chưa đảm bảo được nguồn cung; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; nguồn vốn chưa được đảm bảo… Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi các quy định của pháp luật và các vấn đề liên quan để bảo đảm mức giá phù hợp.