Giám đốc điều hành (CEO) Tesla vừa mua lại mạng xã hội khổng lồ Twitter với giá 44 tỉ USD. Trong bối cảnh đó, tỉ phú người Mỹ bất ngờ nhận được thư mời tới quốc hội Anh "để trình bày với các nghị sĩ một cách chi tiết về tầm nhìn của ông đối với Twitter" - đài RT của Nga ngày 5-5 cho biết.
Thư mời được viết bởi nghị sĩ Julian Knight, người đứng đầu Ủy ban Kỹ thuật số - Văn hóa -Truyền thông và Thể thao của Quốc hội Anh.
"Ủy ban của tôi đã ghi nhận đề xuất mua lại Twitter của ngài và chúng tôi quan tâm đến những ý tưởng mà ngài đề xuất" - nội dung bức thư nghị sĩ Knight gửi cho Elon Musk có đoạn và thêm rằng sự xuất hiện sẽ giúp Musk có cơ hội trình bày "một cách sâu sắc hơn" về ý tưởng của mình đối với sự phát triển của Twitter.
Trong một tuyên bố khác, nghị sĩ Knight tiếp tục nói rằng các nhà lập pháp Anh "muốn hiểu rõ hơn về ý tưởng phát triển của Musk, trong đó có cam kết bảo vệ người dùng Twitter khỏi những tác hại trực tuyến".
Đáp lại, CEO của SpaceX nói với hãng thông tấn AP rằng "rất vinh dự trước lời mời" nhưng "sẽ còn quá sớm để chấp nhận" vì các cổ đông của Twitter vẫn chưa bỏ phiếu thông qua thỏa thuận trị giá 44 tỉ USD.
Bức thư của Knight cũng đúng lúc các nghị sẽ Anh đang xem xét dự luật "An toàn trực tuyến". Dự luật này cho phép cơ quan quản lý quyền hạn để kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng internet khác.
Nội dung của dự luật buộc các trang web lớn phải xác thực danh tính người dùng và cung cấp cho họ lựa chọn tránh tương tác với các tài khoản chưa được xác minh.
Musk trước đây đã tuyên bố rằng ông muốn Twitter "xác thực tất cả người dùng" nhưng không nói rõ về cách thức thực hiện.
Tỉ phú Elon Musk hiện có hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter kể từ khi tham gia vào năm 2009 và đã sử dụng nền tảng này để đưa ra nhiều thông báo khác nhau. Trước khi trở thành ông chủ mới, người giàu nhất thế giới (theo Forbes), nắm giữ gần 9,2% cổ phần của Twitter và cũng giúp cổ phiếu mạng xã hội này tăng 27%.
Vào năm 2018, quốc hội Anh cũng đã đưa ra lời mời tương tự đối với CEO Facebook khi đó là Mark Zuckerberg (công ty đã đổi tên thành Meta) để giải trình vấn đề "tin tức giả" trực tuyến nhưng vị này từ chối.