Năm nay, Costa Rica cũng đã chỉ sử dụng địa nhiệt và thủy điện trong 150 ngày khác. Số ngày không sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch của Costa Rica trong năm ngoái lên tới 300 ngày.
Đây là một thành tích tuyệt vời, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến thiên tai trở nên trầm trọng hơn.
Kể từ khi xóa bỏ chế độ độc tài quân sự vào năm 1949, Costa Rica đã đặt mục tiêu hàng đầu là tập trung vào phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Quốc gia này hy vọng đến năm 2021 sẽ trở thành một quốc gia “không khói”.
Thông thường, khoảng 7% điện năng được tạo ra bởi nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, những trận mưa rất lớn gần đây đã làm đầy hồ chứa của 4 đập thủy điện lớn của Costa Rica, nên việc dùng nhiên liệu hóa thạch trở nên không cần thiết.
Là một quốc gia tương đối nhỏ và lại may mắn có mạng lưới sông khá lớn trên địa hình nhấp nhô, cùng nguồn địa nhiệt khá dồi dào, Costa Rica có thể khai thác thủy điện và địa nhiệt với sản lượng điện cao.
Costa Rica có dân số nhỏ (4,87 triệu người) cũng có nghĩa là mức năng lượng cần cung cấp nhỏ hơn so với nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, GDP cũng tương đối thấp (10.200 USD/người), và các quốc gia nghèo có nhu cầu và sử dụng ít năng lượng hơn so với những quốc gia phát triển hơn.
Iceland là một quốc gia cũng có ít dân (323.000 người) nhưng giàu hơn (GDP bình quân đầu người là 47.500). Giống như Costa Rica, đất nước này gần như không cần các nguồn năng lượng khác, kể cả năng lượng gió, hạt nhân, sinh học hay nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, các quốc gia khác đông dân hơn muốn giảm lượng khí thải carbon nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu năng lượng, sử dụng kết hợp cả năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
Nhưng có một thực tế là Costa Rica hay Iceland vẫn tạo ra khí thải CO2. Mặc dù không dùng trong sản xuất điện nhưng nhiên liệu hóa thạch vẫn được dùng trong các phương tiện di chuyển.
Costa Rica vẫn còn 1 triệu ô tô đã lỗi thời và kết quả là lượng dầu mỏ nhập khẩu chiếm quá nửa nhu cầu năng lượng quốc gia.
Đây là một rào cản đối với cách mạng năng lượng sạch. Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đang chuyển đổi lưới điện để thân thiện hơn với môi trường, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho phương tiện giao thông vẫn sẽ là vấn đề trong thời gian tới.
Costa Rica trong năm 2014 đã thải ra 7,8 triệu tấn khí thải carbon. Brazil thải ra gấp 65 lần con số đó trong khi Mỹ gấp 713 lần và Trung Quốc tạo ra gấp tới 1.241 lần lượng khí thải carbon của Costa Rica.
Lượng khí thải các quốc gia tạo ra (số liệu năm 2014)
Tuy nhiên, Costa Rica đã tạo ra một ví dụ tốt về việc ưu tiên phát triển bền vững và dữ liệu cho thấy, thế giới cũng đang cố gắng để làm theo. Năm 1960, 2,7% thế giới sử dụng năng lượng hạt nhân hoặc năng lượng tái tạo.
Trong năm 2013, con số đó lên đến 8,6%. Tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch đã giảm từ 94% xuống 81% trong cùng thời gian đó. Không có sai lầm và chúng ta đang đi đúng hướng nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có làm đủ nhanh để thay đổi tương lai?
Theo IFLScience