Quốc gia Nam Á vừa tuyên bố vỡ nợ: Nền kinh tế còn nhiều khó khăn

Dy Khoa |

Nền kinh tế quốc đảo này phụ thuộc rất lớn vào láng giềng và du lịch. Đại dịch đã làm thay đổi tất cả.

Tôi đến Sri Lanka lần đầu trong một chuyến đi khá dài ngày, cách đây 5 năm. Rất nhiều du khách quyết định đến đảo quốc này bởi thiên nhiên hấp dẫn, không một ai đến đây để ngưỡng vọng các tòa nhà cao tầng hay chi tiêu xa xỉ (như Maldives gần đó). Chuyến đi năm đó cho tôi một cảm giác kỳ lạ. Và bây giờ, nó thành sự thật. 

Hôm thứ Ba, Sri Lanka tuyên bố không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD và đang chờ gói hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Thông báo được Bộ Tài chính Sri Lanka đưa ra có nội dung: Các chủ nợ, trong đó có chính phủ các nước đã cho quốc gia Nam Á vay tiền, có thể cộng dồn lãi chưa trả vào khoản vay mà Sri Lanka đến hạn thanh toán từ chiều cùng ngày hoặc chọn nhận lại khoản vay gốc bằng rupee Sri Lanka.

"Chính phủ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp này như lựa chọn cuối cùng nhằm ngăn tình hình tài chính của đất nước thêm xấu đi", Bộ Tài chính Sri Lanka giải thích về quyết định tuyên bố vỡ nợ với các khoản vay nước ngoài.

Cơ quan bổ sung rằng tuyên bố vỡ nợ là để đảm bảo "đối xử công bằng và bình đẳng đối với tất cả các chủ nợ" trước khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp chương trình hỗ trợ cho quốc gia Nam Á.

Quốc gia Nam Á vừa tuyên bố vỡ nợ: Nền kinh tế còn nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Một nhà hàng của Galle chìm trong bóng tối do cắt điện. Ảnh: Dy Khoa.

Phát triển du lịch được đặc biệt quan tâm

Trước khi chuyến đi bắt đầu, thông tin về Sri Lanka được đưa tin trên báo chí Việt Nam khá ít ỏi. Và khá nhiều thông tin trái chiều về điểm đến. Dẫu vậy, tôi vẫn quyết định đến thăm quốc gia nằm trong danh sách mơ ước phải đến trong đời. 

Nền kinh tế Sri Lanka đặc biệt phụ thuộc vào công nghiệp du lịch nên họ đã miễn hầu hết các thủ tục thị thực, chỉ yêu cầu khai báo và thanh toán phí thị thực trực tuyến.

Ngay cả nhân viên xuất nhập cảnh cũng rất trân trọng khách du lịch vì đây được xác định là "mỏ vàng" ngoại tệ của đất nước. Họ niềm nở, hỏi han và hướng dẫn rất nhiệt tình. Phong thái phục vụ của khách sạn, nhà hàng tại quốc gia này cũng xuất sắc không kém.

Anh chị chủ nhà nghỉ ở thành phố Katunayake đã nhiệt tình tới mức chở tôi ra nhà ga tàu lửa cách đó cả chục cây số nhưng không lấy tiền.

Quốc gia Nam Á vừa tuyên bố vỡ nợ: Nền kinh tế còn nhiều khó khăn - Ảnh 2.

Con đường chỉ có le lói chút ánh sáng ở Sri Lanka. Ảnh: Dy Khoa.

Trên suốt dọc đường từ Bắc xuống Nam đảo quốc, Sri Lanka cho tôi cảm giác quốc gia sạch về môi trường khi rừng nguyên sinh còn dày đặc, biển xanh cát trắng. Nhà máy sản xuất rất thưa thớt, có những địa phương mà tôi từng đi qua không thấy cả ống khói công nghiệp. 

Vào các siêu thị hoặc cửa hàng tạp hóa địa phương, tôi chỉ có thể thấy trái chuối, trái dừa, trà được người dân tự hào đấy là sản phẩm của quốc gia. Các thương hiệu công nghiệp địa phương gần như vắng bóng. 

Thậm chí, tôi hỏi nhân viên khách sạn tại TP Kandy (miền Trung) rằng xem tivi sẽ mở kênh nào thì được tư vấn mở kênh truyền hình của Ấn Độ. Và nhiều sản phẩm thường nhật khác tại đây cũng nhập khẩu từ nước láng giềng này.

Quốc gia Nam Á vừa tuyên bố vỡ nợ: Nền kinh tế còn nhiều khó khăn - Ảnh 3.

Người dân Sri Lanka cơ bản còn rất nghèo. Ảnh: Dy Khoa.

Khu trung tâm cũng cúp điện

Không những thế, di chuyển đến thành phố biển Galle, tôi còn bất ngờ hơn. Khu trung tâm, tập trung rất đông khách du lịch đang ăn tối, bỗng dưng cắt điện. Hỏi ra nguyên nhân thì biết do thiếu điện. 

Tình trạng này diễn ra như chuyện thường ngày nên không thấy một quản lý cơ sở kinh doanh du lịch nào có phản ứng. Hoặc nếu có phản ứng cũng không được vì đó là tình trạng  chung của quốc gia.

Quốc gia Nam Á vừa tuyên bố vỡ nợ: Nền kinh tế còn nhiều khó khăn - Ảnh 4.

Ga tàu và bến xe trung tâm của Sri Lanka luôn thu hút đông khách. Họ chủ yếu chọn rời quê lên phố kiếm sống. Ảnh: Dy Khoa.

Khách du lịch ăn sang, còn dân địa phương chỉ cần ổ bánh mì kẹp xúc xích và trứng cho qua bữa là xong. Một cửa hàng bán bánh mì kẹp ở Galle trở thành điểm tập kết lực lượng lao động vào mỗi buổi sáng. Ổ bánh mì không có rau, giá quy tiền Việt cách đây 5 năm là chưa tới 10.000 đồng. Đa số dân Sri Lanka còn rất nghèo.

Ngay tại Thủ đô Colombo, được xem là phồn hoa nhất đất nước, cũng dễ kiếm những hàng giày nội địa với giá rẻ như cho.

Chính vì vậy, lệnh đóng cửa biên giới của các quốc gia do Covid-19 đã gây mất nguồn thu ngoại tệ. Người dân càng thêm khó khăn về tài chính. Tình hình đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Tuy vậy, dân Sri Lanka khá vui vẻ và lạc quan về tương lai phía trước. "Sẽ ổn thôi. Khi biên giới mở trở lại, khách du lịch trở lại thì mọi chuyện sẽ khá hơn. Anh chị vẫn chào đón em quay lại đây", anh chủ của nhà nghỉ ở Katunayake nhắn như vậy vào sáng nay khi tôi hỏi thăm tình hình.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại