Thế giới rất ồn ào. Khi bạn đi bộ ngoài đường, bạn không có lựa chọn trong việc phải nghe những âm thanh chói tai từ tiếng xe cộ, loa phường,… Bạn có thể hạn chế tiếng ồn và thưởng thức gia điệu mình muốn bằng một chiếc tai nghe cách âm cồng kềnh. Liệu có cách nào truyền tải âm thanh tới người nghe mà không cần tới thiết bị thu nhận?
Holoplot, một công ty tại Berlin, Đức, đã phát triển một công nghệ có khả năng giải quyết vấn đề này với kết quả đáng kinh ngạc.
Công nghệ sử dụng công nghệ 3D beamforming (giống trên AirPods) và các thuật toán thông minh nhằm tạo ra trải nghiệm âm thanh mang tính cách mạng. Holoplot tạo ra các trường âm thanh riêng biệt cùng lúc, mỗi trường có nội dung, cường độ, pha và tần số riêng. Nhờ đó nhiều người có thể có trải nghiệm nghe khác nhau trong cùng một căn phòng.
Các chùm sóng âm với nội dung khác nhau nhằm vào các vùng nghe khác nhau
Thử tưởng tượng bạn có thể phát ra một chùm sóng âm được thu hẹp đến nỗi chỉ đúng một người đứng ở vị trí nhất định có thể nghe thấy. Trong bản demo giới thiệu, Holoplot phát ra hai chùm sóng âm khác biệt tới hai người đừng kề vai nhau. Kết quả mỗi người nghe thấy một âm thanh khác nhau tương ứng, tuy vẫn có một chút âm thanh tràn sang người bên cạnh, giống như khi bạn tai nghe quá to và người đứng cạnh có thể nghe lỏm một chút.
“Chúng ta có thể hoạch định trước các khu vực để người nghe có thể nghe các âm thanh khác nhau khi đi qua các khu này - ví dụ trong công viên giải trí, bạn có thể nghe thấy tiếng động vật ở một góc này và nghe nhạc ở góc khác. Bạn đi bộ thêm vài mét và bỗng nhiên thấy mình ở một không gian khác - giờ bạn có thể nghe thấy tiếng nước suối róc rách. Hoặc bạn có thể có một giọng nói của hướng dẫn viên truyền riêng tới bạn, giải thích về thứ bạn đang xem ở triển lãm.” - theo Roman Sick, CEO Holoplot.
Beamforming hoạt động như thế nào?
Công nghệ này đã có mặt từ nhiều năm và được ứng dụng trong các ăng-ten, radar dưới nước. Gần đây, công nghệ này đã có mặt trong nhiều thiết bị thân quen hơn.
Ví dụ, laptop thường được trang bị một tổ hợp các microphone được sắp xếp theo trật tự nhất định sao cho các sóng âm đến từ âm thanh môi trường tự triệt tiêu và các sóng âm đến từ chủ thể tăng cường cho nhau. Beam forming còn được sử dụng trong ngày càng nhiều sản phẩm loa ngoài bao gồm Apple HomePod, đem lại trải nghiệm nghe tối ưu.
Ví dụ trong công viên giải trí, bạn có thể nghe thấy tiếng động vật ở một góc này và nghe nhạc ở góc khác. Bạn đi bộ thêm vài mét và bỗng nhiên thấy mình ở một không gian khác - giờ bạn có thể nghe thấy tiếng nước suối róc rách.
Âm thanh có thể được hiểu như sự biến đổi liên tục của áp suất không khí trong không - thời gian. Nếu bạn đặt 2 cái loa gần nhau và phát các tín hiệu được thiết kế đặc biệt, bạn có thể nhắm vào một điểm bất kì trong không gian và tăng áp lực âm tại điểm nhất định đó. Tổng hòa của tín hiệu được phát ra được gọi là sự “giao thoa tăng cường”.
Công nghệ Holoplot đưa beamforming lên một tầm cao mới. Vài năm trước, một thử nghiệm được thực hiện tại Ga Trung tâm Frankfurt, ga tàu đông nhất nước Đức. Các hành khách khi xuống cầu thang máy bỗng nghe thấy chỉ dẫn rõ ràng về nơi họ cần tới tiếp theo. Những người chỉ cách họ vài mét không hề nghe thấy gì.
“Điều thú vị là người nghe sẽ không biết rằng không phải ai cũng nghe thấy điều mình đang nghe. Họ thấy âm thanh rõ tới mức họ nghĩ tất cả mọi người đều nghe thấy điều tương tự. Thực tế thì chỉ những cá nhân được chọn nghe thấy - những người khác thì không.”
Gần đây, Holoplot cho ra mắt dòng sản phẩm X1, các loa ngoài dành cho các hoạt động giải trí cường độ cao từ hòa nhạc tới công viên giải trí. “Bạn có thể nhắm mục tiêu nội dung khác nhau tới các nhóm đối tượng khác nhau. Khá phù hợp nếu bạn có nhiều nhóm khách hàng sử dụng ngôn ngữ khác nhau cùng lúc.”
Trải nghiệm nghe nhắm đối tượng
Trải nghiệm nghe bước sang trang mới
Beamforming có tiềm năng đưa trải nghiệm nghe lên tầm cao mới. Trước đây, âm thanh có thể tràn ra xung quanh, nhưng bây giờ thì có thể chính xác như laser. Beamforming có thể hoạt động trên các hệ thống loa ngoài thông dụng, và kết quả rất xuất sắc.
Ngoài Holoplot, giáo sư Filippo Fazi, khoa Xử lý Tín hiệu và Âm thanh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Âm thanh cũng đang thực hiện dự án đem lại khả năng tạo ra các trải nghiệm nghe khác nhau trong không gian một chiếc xe hơi sử dụng beamforming. “Khả năng này cho phép lái xe nghe chỉ đường trong khi hành khách có thể tận hưởng các bản nhạc mình thích mà không gây ảnh hưởng tới lái xe. Điều này có thể đạt được mà không cần đặt loa ở vị trí tựa đầu của mỗi ghế.”
Tóm lại, beamforming cho phép con người lần đầu tiên tạo ra những “thế giới âm thanh” cho riêng mình mà không cần tới tai nghe cách âm. “Vào những năm 1980, Walkman mở ra một kỉ nguyên mới cho phép mỗi người mang theo những bản nhạc mình thích. Chúng tôi tin rằng công nghệ mới này sẽ đem lại sự đột phá tương tự. Bạn có thể tạo ra những trải nghiệm hoàn toàn mới, một số chúng ta còn chưa hề nghĩ ra.”