Báo Ukraine: Hóa ra người Nga không dùng "nó" như pháo tự hành!
Thực tế nói trên được Militarnyi đăng tải trong bài phân tích như sau:
"Người Nga đã sử dụng Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-62 ngay từ khi phát động cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vì những xác nhận đầu tiên về sự xuất hiện của chúng trên chiến trường đã được ghi nhận vào tháng 5/2022.
Sau đó vào tháng 6 cùng năm, T-62 của Nga bắt đầu được bổ sung giáp phản ứng nổ (ERA) và giáp mái để chống lại Drone (máy bay không người lái).
Và ít giờ trước, đoạn video về những chiếc T-62M và T-62MV mod 2022 của Nga đã được đăng tải lên Internet.
Đoạn video được Militarnyi đề cập.
Trong video này, có thể thấy người Nga đã trang bị giáp mái, lưỡi ủi và hệ thống EW (tác chiến điện tử) trên những chiếc MBT được Liên Xô sản xuất từ những năm 1960.
Và đây cũng là bằng chứng cho thấy - bất chấp những tuyên bố của người Nga về việc sử dụng T-62 như pháo tự hành (???), những chiếc MBT này đang được chuẩn bị cho các hoạt động tấn công, Cụ thể đó là về việc lắp đặt hệ thống nhiễu điện tử RP-377.
Điều củng cố nhận định này là những chiếc MBT từ thời Chiến tranh Lạnh thường được lực lượng Ukraine quan sát thấy trong các nỗ lực tiến quân của đối phương.
Và có lẽ thực tế này không cần bàn thêm vì gần đây chúng tôi (Militarnyi) cũng đã đưa tin về một nhóm binh sĩ Ukraine đã phá hủy một chiếc MBT T-55 được phía Nga trang bị giáp mái phủ kín tháp pháo và phía trên động cơ.
RP-377LA "Lorandit" được thiết kế để tiến hành trinh sát điện tử và trấn áp các nguồn tần số vô tuyến.
Nó có thể tìm kiếm các nguồn phát ở dải tần từ 20 đến 2000 MHz và gây nhiễu ở dải tần từ 25 đến 2000 MHz. Cần lưu ý rằng phần lớn FPV Drone (Máy bay không người lái cảm tử góc nhìn thứ nhất) của Ukraine hoạt động trong dải tần từ 850 đến 930 MHz.
"Nói chung là hợp lý"
Trong phần tiếp theo của bài viết, Militarnyi đưa ra nhận định có thể gây bất ngờ - trái với quan điểm của đa phần các nhà phân tích của chính Ukraine và Phương Tây về T-62 Nga như sau:
"Hiện Nga đang có kế hoạch hiện đại hóa khoảng 800 chiếc T-62M/MV. Việc hiện đại hóa được thực hiện bằng cách lắp đặt radio mới, kính ngắm nhiệt, ERA và các biện pháp bảo vệ khác.
Ý tưởng hiện đại hóa T-62 của người Nga nói chung là hợp lý.
Lý do thứ nhất chỉ đơn giản là họ không có đủ số lượng các loại xe tăng khác do phía Ukraine đã phá hủy khoảng 2.000 MBT (theo tuyên bố của Kiev).
Thứ hai đó là trình độ huấn luyện không cho phép các kíp lái (quân nhân dự bị) nhanh chóng làm chủ được các khí tài hiện đại hơn.
Cụ thể T-62MV Nga được lắp đặt kính ngắm nhiệt tích hợp với máy đo khoảng cách laser 1PN-96MT-02.
Không giống như Sosna-U (hiện được lắp đặt trên T-72B3/B3M, T-80BVM và các mẫu T-90), nó chỉ đơn thuần là một camera hồng ngoại kết hợp máy đo khoảng cách laser, không có kênh quan sát vào ban ngày cũng như dựa trên ma trận không làm mát.
Thiết kế này ảnh hưởng đến phạm vi phát hiện mục tiêu (khoảng 2 đến 3 km). Ngoài ra, 1PN96MT-02 không có khả năng sử dụng tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) khai hỏa từ nòng pháo chính xe tăng.
Để tăng cường bảo vệ xe tăng, giáp mái đã được hàn vào phía sau tháp pháo và ERA Kontakt-1 cũng được lắp đặt.
Tuy nhiên, vẫn còn một lỗ hổng đó là đa phần các thiết bị trên tháp pháo không được bảo vệ..."
Báo Ukraine "quên" gì?
Nhưng cũng cần lưu ý thêm rằng có vẻ như Militarnyi đã cố tình "quên" 1 thứ được người Nga chú trọng trình bày trong video về những chiếc T-62 nói trên, cũng như RP-377 khác biệt gì so với các tổ hợp EW khác trên những chiếc T-72,T-80 và T-90.
Đầu tiên đó chính là về lưỡi ủi - thứ rõ ràng cũng được bổ sung động cơ - giúp loại bỏ chướng ngại vật thậm chí là mìn sát thương bộ binh, mở ra các hành lang để tiến công.
Có vẻ như người Nga không che giấu việc họ muốn sử dụng những chiếc T-62 như một dạng máy ủi bọc thép, thứ rất quan trọng trong chiến tranh hiện đại nhưng lại được bảo vệ kém hơn nhiều.
Ngoài ra RP-377 có điểm khác biệt quan trọng so với các tổ hợp EW như "Volnorez" hiện đang được trang bị ồ ạt trên các MBT của Nga ở chỗ trước đây nó được đặt trên khung gầm xe UAZ-452.
Mặc dù có thể đối phó với Drone của Ukraine nhưng chức năng chính của tổ hợp là để phát hiện, định vị và làm suy giảm khả năng liên lạc vô tuyến của đối phương. Nói một cách đơn giản, RP-377 thường hoạt động ở khoảng cách an toàn so với tiền tuyến.
Có thể nói nhận định của Militarnyi là "đúng nhưng chưa đủ".
Rõ ràng người Nga không chỉ định sử dụng T-62 như "pháo tự hành", nhưng không có nghĩa là họ sẽ tung nó vào đợt tấn công đầu tiên vì tất cả những thông tin nói trên cho thấy đây là một nền tảng có thể được tận dụng để tùy biến cho nhiều mục đích kỹ thuật.