Qua một lần đổ vỡ, nhiều phụ nữ e ngại chuyện yêu đương. Tuy nhiên, với nhiều người, từng vấp ngã lại là cách khiến họ đứng lên mạng mẽ, tự nắm lấy hạnh phúc cho chính bản thân mình.
Cuộc hôn nhân "cãi lời cha mẹ" chỉ kéo dài 1 năm
Câu chuyện hôm nay kể về hôn nhân của người phụ nữ tên Tâm, 29 tuổi. Chồng Tâm là người Trung Quốc, hơn vợ 3 tuổi. Hiện cả hai vợ chồng sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Người chồng Trung Quốc này là cuộc hôn nhân thứ 2 của Tâm, chồng cũ và cô ly hôn sau 1 năm chung sống.
Tâm kể: “Chồng đầu mình quen cách đây hơn 8 năm, lúc đó vẫn còn học đại học năm 3. Anh hơn mình 4 tuổi, sau khi yêu thì anh dắt mình về Thái Nguyên ra mắt”.
Điều khó khăn trong cuộc hôn nhân này chính là mẹ chồng. Trước mặt Tâm, bà vui vẻ nhưng sau lưng lại không chấp nhận và ra sức cấm cản con trai yêu Tâm. Bà cho rằng Tâm thấp bé nhẹ cân không sinh con được. Hồi đó, cô và chồng cũ đều bồng bột. Họ nghĩ rằng cứ yêu nhau là đủ để hóa giải tất cả mọi thứ nhưng chẳng phải.
“Sau một năm kết hôn, vào ngày sinh nhật mình cũng là đêm Giáng Sinh, chồng đã nghe lời gia đình và bỏ đi. Mọi cố gắng níu kéo của mình đều vô ích. Cuộc hôn nhân ấy tan vỡ như vậy đó”, Tâm ngậm ngùi.
Trải qua một cuộc hôn nhân thất bại, Tâm rất e dè với tình yêu. Cô thậm chí còn chán ghét điều đó và lao vào công việc để quên đi tất cả. Rồi từ một sự tình cờ, Tâm quen với chồng bây giờ.
Tâm kể: “Hồi đó mình vô cùng chán ghét đàn ông. Một hôm có người lạ quét tìm kiếm trên mạng xã hội rồi làm quen với mình. Anh là người Trung Quốc, chỉ biết mỗi câu ‘Chào em’ khi nói chuyện. Lúc đó chẳng rõ sao mà anh kiên nhẫn lắm, suốt cả tuần trời cứ nhắn tin qua dù mình xem mà chẳng hề đáp trả. Đến ngày thứ 7, quá bất ngờ vì người đâu mà dai dẳng quá, mình trả lời và rồi, làm quen, dính nhau đến bây giờ”.
Nhân vật chính trong câu chuyện.
Bố mẹ chồng giục cưới và người bố chồng tuyệt vời
Ban đầu quen với người đàn ông Trung Quốc, Tâm và anh khá khó khăn để có thể hiểu nhau. Từ phong tục tập quán đến ngôn ngữ đều khác biệt nên mới như vậy.
Tâm kể: “Ban đầu hai người nhiều bất đồng lắm. Bọn mình dùng Google dịch để nói chuyện. Sau đó mình học tiếng Trung từ chồng, khoảng 6 tháng là trao đổi được thường ngày. Anh cũng là người nóng tính nhưng mình còn nóng tính hơn nữa. Hai người suốt ngày cãi nhau.
Nguyên tắc ngầm của cả hai là cãi xong không được giận hờn vì giận rất mệt, không khí căng thẳng. Nhiều khi bọn mình cãi nhau không giải quyết được thì lao vào đánh nhau. Đánh mệt nghỉ không ai nấu cơm lại đèo nhau ra ngoài ăn”.
Ban đầu, khi quen anh do bố mẹ anh ở xa nên Tâm chỉ được video call để gặp mẹ chồng tương lai chứ chưa nói chuyện với bố chồng bao giờ. Tâm rất hoang mang lo lắng và sợ mẹ chồng này sẽ giống mẹ chồng trước.
“ Mẹ chồng khi đó cứ suốt ngày hỏi tại sao chưa có em bé. Chồng cũng thích có bé nên năn nỉ chuyện có con. Lúc đó mình rất phân vân vì phụ nữ từng vấp ngã sẽ phải suy tính nhiều. Nếu làm mẹ đơn thân thì thật sự quá khổ.
Phải đến năm thứ 3 khi yêu nhau, mình mới quyết định mang thai. Sau khi biết chuyện, bố mẹ chồng giục cưới suốt ngày, ngày nào cũng gọi điện sang giục luôn. Lúc đó thì mình quyết cưới thôi”, Tâm kể.
Bố mẹ chồng đều không phản đối hay ý kiến gì chuyện con trai lấy vợ đã qua một lần đò. Nhà Tâm thì khuyên con gái nên suy nghĩ kĩ vì dù sao từng đổ vỡ cũng nên hãy dè chừng hơn. May mắn sao, cuối cùng sự lựa chọn của Tâm đã đúng.
Chồng Tâm sang Việt Nam lập nghiệp, anh lấy vợ Việt và định cư ở đây luôn. Sau khi có cháu, bố chồng đã sang sống cùng nhà để giúp đỡ cho vợ chồng con trai.
“Ngày trước hai vợ chồng hay cãi cự việc vặt vãnh lắm. Ví dụ như trước nay mình là người đổ rác, sau chồng lại nạnh. Mình chỉ cười cười rồi bảo ba rằng: 'Ba thấy không, việc nhỏ anh cũng đẩy cho con’. Ba chồng bật cười.
Mình nói thì nói vậy chứ không ngờ sau ba nói sao mà chồng tự giác đi đổ rác luôn. Chuyện hai vợ chồng ba cũng không can dự nhưng sau đó lại khuyên bảo, phân tích chồng. Nhiều lúc vì thế mà mình cứ trêu chồng phải chăng anh chỉ là con ghẻ thôi”, Tâm tâm sự.
Bố chồng chính là người khiến Tâm ngưỡng mộ. Ông rất chăm chỉ và sẵn sàng giúp con dâu toàn bộ việc nhà.
Bố chồng suốt ngày lọ mọ nấu cơm, rửa bát. Tâm có giành làm thì ông cũng sẽ kiếm việc khác để làm. Ban đầu khi mới sang, ông luôn giữ khoảng cách với con dâu vì ngại. Sau này, ông đã không e dè nữa mà thoải mái đối xử với con dâu như con cái trong nhà.
Chồng Tâm ở miền Bắc Trung Quốc nên Tết đến vẫn rất lạnh. Bởi vậy gia đình cô mấy năm nay đều đón Tết tại Việt Nam. Tết năm ngoái, cả bố mẹ chồng và con gái của chị gái chồng đều sang đón Tết cùng. Đó là những điều khiến Tâm thấy rất hạnh phúc.
Cả nhà chồng Tâm sang Việt Nam ăn Tết.
Bây giờ, cuộc sống gia đình Tâm rất tốt đẹp. Cô có tổ ấm nhỏ bên con trai, gia đình thấu hiểu, bố mẹ chồng yêu thương. Người phụ nữ sau cuộc hôn nhân thất bại đã đứng lên mạnh mẽ rồi đạt được những thành công dù nhỏ nhưng rất đáng tự hào.
“Mình rút ra được bài học là khoảng trời đen tối nào rồi cũng sẽ qua, nếu mình hành xử đúng mà vẫn có cuộc hôn nhân sai lầm thì là do mình chọn sai người. Hôn nhân đổ vỡ không thể đổ lỗi cho một phía được. Mong các chị em từng đổ vỡ hãy lạc quan lên và hi vọng hạnh phúc sẽ không bỏ qua mình”, Tâm chia sẻ.
Đúng là cuộc sống đã mỉm cười với người phụ nữ đổ vỡ như Tâm. Hi vọng rằng, cô và tổ ấm nhỏ của mình sẽ mãi hạnh phúc và sống êm đềm bên nhau.