Trong số các công cụ tìm kiếm hiện nay, có thể cho rằng không bên nào qua được "ông lớn" Google. Trải qua nhiều năm phát triển, Google đã tạo ra được vị thế cho riêng mình, trở thành công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Nhưng cũng có thể đây là lúc bạn cân nhắc rời xa ông lớn Google, mà đến với một công cụ tìm kiếm khác có tên Ecosia . Xét về quy mô và danh tiếng, Ecosia chắc chắn không thể qua mặt được Google, nhưng có một lý do khiến việc thay đổi này trở nên cực kỳ hợp lý.
Đó là bởi, doanh nghiệp này được thành lập là để bảo vệ môi trường. Với mỗi lần sử dụng, lợi nhuận họ thu được sẽ được dùng để trồng cây. Và tính đến tháng 13/2/2019, Ecosia đã trồng được 50 triệu cây kể từ khi thành lập vào năm 2014.
Để bạn dễ tưởng tượng thì con số này đủ để bao phủ diện tích đất rộng tới 60ha, đồng thời giúp loại bỏ 2,5 triệu tấn CO2 khỏi khí quyển trong ngần ấy thời gian.
Công ty công nghệ, nhưng lại vì môi trường
Tháng 12/2009, Christian Kroll đã nảy ra một ý tưởng lạ. Anh muốn biến hành động thường nhật và không ai để ý đến nhất của chúng ta khi lướt web - chính là dùng công cụ tìm kiếm - thành một điều gì đó có ý nghĩa hơn.
Ý tưởng này xuất hiện khi Kroll thực hiện một chuyến đi vòng quanh thế giới. Lúc đặt chân đến Nam Mỹ, anh nhận ra rằng việc các cánh rừng đang biến mất đã gây ảnh hưởng như thế nào lên hệ sinh thái. Kể từ lúc đó, anh đã quyết định rằng toàn bộ sự nghiệp của mình sẽ phải dành cho cây cối.
Christian Kroll - người sáng lập ra Ecosia
Thời còn đi học, Kroll đã từng thực hiện một số dự án làm website cùng bạn bè, nên anh có chút kiến thức về cách các ông cụ tìm kiếm trên internet vận hành.
Và cũng kể từ đây, ý tưởng về Ecosia bắt đầu được thai nghén, rồi ra đời vào năm 2014.
Nhưng họ làm thế nào?
Bằng cách nào một công cụ tìm kiếm lại có thể thu đủ tiền để công ty trồng được đến hàng triệu cái cây?
Câu trả lời rất đơn giản: Ecosia đã bán quảng cáo trên chính công cụ của mình, và sử dụng nguồn thu nhập có được để đóng góp cho vô số các tổ chức môi trường phi lợi nhuận trên thế giới. Trung bình, 45 lượt tìm kiếm sẽ được quy đổi ra một cái cây được trồng.
Lợi ích của việc trồng cây không chỉ để giải quyết lượng CO2 ra khỏi không khí. Với việc phủ xanh các khoảng diện tích rừng đã mất tại Amazon (Brazil), họ đã tạo ra môi trường tự nhiên phù hợp để các loài động vật định cư lâu dài, nhờ vậy giảm được khả năng phải đối mặt với con người.
Nói cách khác, việc trồng rừng đã góp phần bảo vệ vô số loài vật đang trên đà tuyệt chủng.
Nhưng không chỉ có vậy, số cây này còn giúp chất lượng đất xung quanh trở nên tốt hơn, qua đó thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp của cư dân xung quanh. Người dân nhờ thế tạo ra các sản phẩm có thể bán được, đem lại thu nhập ổn định. Điều này cũng có nghĩa con cái của họ được đến trường, mua được đồ ăn, trang trải được chi phí thuốc men...
Nếu bạn vẫn chưa biết việc làm này có ý nghĩa như thế nào, thì hãy tham khảo một vài số liệu sau. Từ năm 1990 - 2016, có hơn 1,3 triệu km2 diện tích rừng trên thế giới bị phá hủy - còn rộng hơn cả Nam Phi. Và nếu con người không hành động nhanh chóng thì sớm thôi, sẽ có 80% các loài sinh vật trên thế giới rơi dần vào cảnh bị tuyệt chủng.
Tham khảo: BS, VT.co