Quấy rối tình dục quanh trường đại học ở Hà Nội: Nữ sinh cần làm gì để "thoát thân"?

ĐỖ HỢP |

Thời gian gần đây, trên trang thông tin của một số trường đại học ở Hà Nội, nhiều sinh viên bày tỏ lo lắng việc có đối tượng thường xuyên xuất hiện gần khu vực cổng trường, tiếp cận, thực hiện hành vi quấy rối.

Gần đây sinh viên của trường ĐH Hà Nội được phen xôn xao trước thông tin nạn nhân cảnh báo có kẻ biến thái ngay trong khuôn viên trường.

Theo lời kể của nạn nhận, khi đang ngồi ở ghế đá thì bất ngờ có đối tượng đi xe đến, xin ngồi cạnh. Ngồi một lúc thì đối tượng có hỏi về tiền nhà/ chỗ ở/ ngành học. Sau đó, đối tượng có hành động vỗ vai thân mật, rồi đề nghị dẫn đi ăn, xin số điện thoại, cách thức liên lạc và đề nghị đợi sau giờ học.

Những hành động trên bất ngờ làm sinh viên này sợ quá chủ động đứng dậy nhưng đã bị đối tượng kéo, ôm eo và có hành động chạm vào chỗ kín. Nữ sinh cũng kể lại những điểm nhận diện như nam, 30 tuổi, lông mày rất rậm, đi xe Airblade trắng đỏ, biển số 29-G14XX, mặc áo polo xanh quần xám,…

Thời gian gần đây, trên trang confession của trường ĐH Thương mại (Hà Nội), nhiều sinh viên cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng một số đối tượng thường xuyên xuất hiện gần khu vực cổng trường, tiếp cận nữ sinh, thực hiện hành vi quấy rối.

Theo lời kể của nạn nhân, đối tượng còn khống chế các nữ sinh và bắt chứng kiến hành vi dâm ô của mình. Kẻ biến thái hướng đến những ai đi một mình, đặc biệt là nữ giới. Khi có người đến gần, đối tượng tiếp cận hoặc đuổi theo rồi bắt đầu thực hiện các hành động như kéo khóa quần, thủ dâm hay buông lời khiếm nhã.

Các đối tượng này thường di chuyển bằng xe máy, mặc áo phao, bịt kín mặt bằng khẩu trang và tìm cách che giấu biển số xe vào thời điểm sáng sớm hoặc tối muộn. Những hành động trên diễn ra bất ngờ khiến nhiều sinh viên, đặc biệt nữ sinh hoảng sợ và không kịp chống trả.

Chia sẻ với phóng viên, Ngô Thùy Linh, sinh viên năm nhất trường ĐH Hà Nội cho hay nhiều nữ sinh lo lắng, hoang mang, ảnh hưởng đến việc tập trung học tập.

Linh cho rằng, em cũng ở trọ gần trường với 4 bạn gái khác nữa và em rất lo lắng. Hiện tại, em vẫn đi làm thêm là trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh nên giờ về khá muộn, tầm 10h.

“Để tránh được rủi ro nếu gặp cảnh bị quấy rối tình dục em có tìm hiểu thêm các cẩm nang để thoát thân trong các trường hợp như vậy. Ở nhà trọ thì em luôn đóng khóa cửa, đi ngoài đường thì em có một vật nhọn ở khóa xe máy phòng khi có bất trắc xảy ra có thể hỗ trợ mình”, Linh chia sẻ.

Còn Nguyễn Đình Nguyệt Hà, khoa kế toán trường Học viện Ngân hàng cho rằng, em chưa gặp cảnh bị quấy rối tình dục bao giờ nhưng nghe các bạn kể ở trường có hiện tượng như vậy nên cũng lo lắng.

“Các trường hợp như vừa nêu đều là khá bất ngờ, vì thế gặp hoàn cảnh như vậy em nghĩ các nạn nhân nên thoát thân trước đã sau đó thì cần nói với mọi người để đề phòng. Như em đây đã có thâm niên vài năm học võ nên cũng tự tin hơn khi gặp kẻ xấu”, Hà chia sẻ.

Em Nguyễn Tuệ Linh, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, em có đọc và thấy có hiện tượng quấy rối nhắm vào các sinh viên nữa. Em cũng khá lo lắng vì thời gian đi học từ nhà đến trường cũng khá xa.

“Nếu bị quấy rối thì theo em, nếu đang ở một mình thì cần hết sức bình tĩnh. Có bình tĩnh mới mong bảo vệ được mình. Nhưng nếu bị tấn công thì phải cần biết hét lên và đánh vào chỗ hiểm của đối tượng này xong mình chạy”, Linh chia sẻ.

Quấy rối tình dục quanh trường đại học ở Hà Nội: Nữ sinh cần làm gì để thoát thân? - Ảnh 1.

Một thông tin đưa lên nhóm sinh viên của trường ĐH Hà Nội

Quấy rồi tình dục: Lỗi có phần tại sinh viên?

Việc một số nữ sinh còn hớ hênh, ăn mặc khêu gợi, lộ thông tin cá nhân, khoe hình trên Facebook có phải vô hình trung là một tác nhân cho hành vi quấy rối tình dục?

Sinh viên Ngô Thùy Linh cho rằng, việc ăn mặc không phải là thứ tác động để khiến mình bị biến thái để ý. Vì theo sinh viên này, có nhiều vụ dù ăn mặc kín đáo vẫn bị nên cần biết cách bảo vệ bản thân như đi đông với bạn bè và mang vũ khí phòng thân.

Còn sinh viên Nguyễn Đình Nguyệt Hà cho rằng, ăn mặc không phải là một cái tội vì khi đã bị những kẻ biến thái nhắm vào thì ăn mặc ra sao cũng sẽ bị tấn công thôi.

Tuy nhiên, cô sinh viên năm thứ nhất này cho rằng, nếu đi ra ngoài mà lại xác định về tối thì cũng nên ăn mặc kín đáo một chút để tránh bị để mắt đến vì thông thường các đối tượng này nhắm đến nữ sinh hay đi một mình.

PGS. TS tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, không ai có quyền quấy rối tình dục bất cứ ai. Và hành vi quấy rối tình dục trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều là tội ác.

Ông Nam cho rằng, những người phụ nữ hiện đại cần nhận diện được chính xác các biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục. Ông khuyên nạn nhân tìm cách lưu mọi bằng chứng và ghi lại chi tiết những chuyện đã xảy ra. Ngay sau đó, hãy tìm hiểu về các chính sách liên quan đến quấy rối tình dục các cơ chế báo cáo, các hình thức xử phạt… để tìm cách gửi đơn khiếu nại đến đúng địa chỉ.

Cần làm gì để tự vệ trước hành vi sàm sỡ nơi công cộng?

Vụ việc nữ sinh bị người đàn ông lạ mặt có hành vi quấy rối tình dục bên ngoài cổng trường hoặc nhà trọ khiến nhiều người bức xúc. Vậy trong trường hợp này cần làm gì để tự vệ trước hành vi sàm sỡ nơi công cộng?

Đeo balo

Balo chính là công cụ hữu ích giúp bạn tránh trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục. Balo có công dụng như rào chắn, bảo vệ bạn trước những hành động xâm hại cơ thể.

Dùng tay vắt ngang ngực

Trong trường hợp đi xe bus và chuyến xe quá đông hành khách, bạn hãy cố gắng dùng một tay vịn chặt vào thành ghế hoặc tay nắm trên xe bus, tay còn lại vắt ngang ngực. Hãy giữ cánh tay thấp và gần với thân mình.

Tìm điểm tựa

Ở trường hợp trong thang máy, bạn có thể đứng dựa vào một trong ba vách. Chỗ lý tưởng nhất là gần bảng điều khiển. Trong trường hợp kẻ xấu có ý định tấn công, hãy giữ bình tĩnh, bấm tầng gần nhất cũng như chuông báo động để có thể thông báo cho bên ngoài biết.

Không ăn mặc quá "mát mẻ"

Nạn nhân của quấy rối tình dục có thể là bất kì ai. Tuy nhiên, những người có phong cách ăn mặc thoải mái, phóng túng thường bị chú ý hơn. Mặc đồ "mát mẻ" khiến bạn trở nên nổi bật hơn trong đám đông, và đương nhiên, thu hút kẻ xấu nhiều hơn.

15 điều nữ sinh nên ghi nhớ khi đi buổi tối để tránh nguy hiểm

1. Khi đi bộ vào ban đêm, hãy đi những con đường sáng sủa và tốt nhất là nên có người quen đi cùng.

2. Để điện thoại di động trong tay, trong túi áo, trong túi quần là có thể lấy ngay, đừng để trong túi xách. Nếu không trong trường hợp bạn bị giữ lại, bạn sẽ không có cơ hội để gọi điện cầu cứu. Tốt nhất nên cài đặt các số gọi nhanh là người thân, bố mẹ, người yêu... cùng các tin nhắn nhanh. Và tốt hơn nữa là trước đó, bạn đã nói với đối phương phải làm gì khi nhận tín hiệu tương tự từ bạn.

3. Tốt nhất là đi bộ trên vỉa hè bên trái đường. Điều này nghe có vẻ hơi ngược nhưng nếu con đường ở giữa và bạn đi trên vỉa hè bên trái đường, bạn có thể nhìn thấy xe từ phía trước. Trong trường hợp khẩn cấp, hoặc có người đi phía sau, bạn chỉ cần vẫy tay ra hiệu cho xe phía trước dừng lại nhờ trợ giúp là có thể tránh được nguy hiểm.

4. Nếu về muộn, đừng đeo tai nghe nghe nhạc hay những thứ tương tự vì điều này rất dễ làm giảm sự cảnh giác của bạn và bạn sẽ không phát hiện ra rằng mình đang bị theo dõi. Kẻ xấu thường nhắm đến những đối tượng như vậy.

5. Hãy ngẩng cao đầu khi bước đi. Tội phạm sẽ ít có khả năng tấn công.

6. Nên chuẩn bị thêm một đôi giày bệt, giày thể thao khi đi bộ về nhà, thay vì đi nguyên đôi giày cao gót. Giày cao gót không chỉ phát ra âm thanh thu hút kẻ xấu, khiến chúng biết ngay nơi nào có con gái và thường là những cô gái ưa nhìn mà còn khiến bạn gặp khó khăn trong việc thoát thân.

7. Khi gặp nguy hiểm, kêu cứu và thổi còi có thể thu hút sự chú ý của người khác. Nếu bạn đeo còi và đi ra ngoài, hãy nhớ đừng bỏ nó vào túi xách như điện thoại di động mà hãy đặt nó ở nơi dễ lấy.

8. Khi đi xe buýt hoặc tàu điện vào đêm khuya, đừng ngủ, hãy giữ tỉnh táo và tìm một chiếc xe/ toa tàu có nhiều người. Nếu có thể, tốt nhất bạn nên hẹn một người đi cùng.

9. Khi xuống tàu xe, hãy nhìn xung quanh xem ai đã xuống cùng bạn. Nhất là khi không có ai bên cạnh, hãy chọn đi con đường sáng sủa và để ý đến người ấy nhiều hơn. Nếu bạn nghi ngờ rằng bạn đang bị theo dõi, đừng ngần ngại yêu cầu giúp đỡ ngay lập tức, đừng lo lắng về việc phán đoán sai, và đừng đợi khi sự cố xảy ra rồi mới yêu cầu giúp đỡ.

10. Khi nghi ngờ mình đang bị theo dõi, hãy giao tiếp bằng mắt trực tiếp với đối phương, đừng lảng tránh. Điều này sẽ khiến bên kia do dự nhiều hơn và thường có thể trì hoãn thời gian cho đến khi bạn tìm được người để nhờ giúp đỡ.

11. Khi bạn nghi ngờ mình bị theo dõi, hãy sử dụng điện thoại để giả vờ gặp người thân thiết với mình. Nội dung cuộc nói chuyện không nên nói "5 phút nữa gặp lại", ngược lại, hãy để cho kẻ xấu cảm thấy đầu dây bên kia sẽ sớm xuất hiện, sẽ lập tức ra mặt. Vì e ngại, kẻ xấu có thể sẽ rời đi.

12. Trong thang máy, nếu bạn đi cùng với một người đàn ông lạ, hãy luôn đứng gần cửa, quay lại đối mặt với người đó và đứng trong tầm nhìn của camera. Việc kẻ xấu ép buộc nạn nhân về nhà mình (cùng khu) hoặc theo họ về nhà cũng rất phổ biến. Nếu cần, hãy nhấn nút khẩn cấp của thang máy.

13. Đừng đi những hành lang và cầu thang không sử dụng.

14. Trước khi về nhớ gọi điện báo cho gia đình biết mình sẽ về và khi nào sẽ về. Bằng cách này, nếu bạn không về nhà suôn sẻ và bạn không có điện thoại, gia đình bạn có thể phản hồi kịp thời và nhờ giúp đỡ.

15. Nếu bạn thực sự bị tấn công, bất cứ thứ gì trong tay bạn đều là vũ khí. Có thể ném các vật dụng nhỏ như ví, túi mỹ phẩm, ô cũng có thể dùng để chống trả. Đừng quên gọi trợ giúp cùng một lúc.

Đ.H (t/h)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại