Hàng nghìn học sinh chưa bao giờ được uống sữa
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, vợ chồng thầy giáo Hồ Văn Thuận (54 tuổi) và cô Võ Thị Tý (50 tuổi) vượt hơn 100km từ xã miền núi Quế Lâm (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) về trung tâm TP Tam Kỳ (Quảng Nam) mua sắm Tết.
Mỗi năm một lần, vợ chồng thầy Thuận mới đi chợ ở Tam Kỳ để mua sắm cho ngày lễ lớn nhất trong năm.
Từng gói hàng hóa được vợ chồng thầy Thuận lựa chọn tỉ mỉ, gói gém kỹ càng để chất lên chiếc xe máy đi về quê. Trong những món hàng vừa được mua, vợ chồng thầy cẩn thận cột chặt thùng sữa tươi lên yên xe với sự háo hức kỳ lạ.
"Thùng sữa này tôi mua làm quà cho mấy em học sinh trong lớp. Đây là quà tôi dành cho các em sau 1 năm học có nhiều tiến bộ.
Những bài giảng ở lớp tôi có nhắc đến sữa khiến các em cứ hỏi suốt. Ở Quế Lâm, rất ít, thậm chí có nhiều em chưa uống sữa tươi bao giờ", cô Tý ngậm ngùi kể.
Cô Võ Thị Tý giảng bài cho các em học sinh nghèo miền núi Quế Lâm – Quảng Nam
Gần 40 năm dạy học ở xã miền núi Quế Lâm, thầy Thuận, giờ đã là Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học – THCS Quế Lâm, chứng kiến biết bao nhiêu đổi thay thăng trầm của vùng đất này cũng như dìu dắt hàng trăm lứa học sinh nên người.
Thầy Thuận cho hay, do đường sá khó khăn nên việc giao thương của người dân xã Quế Lâm hiện dựa vào con đường độc đạo DT611 nối từ trung tâm huyện Nông Sơn.
Người dân nơi đây quanh năm sống nhờ trồng rừng nên cuộc sống vẫn còn khó khăn. Trẻ em bây giờ đều được đến trường nhưng so với ở đồng bằng vẫn còn khoảng cách khá xa.
Ánh mắt xa xăm, thầy Thuận kể về sự khó khăn trong việc dạy và học của thầy trò nơi đây.
"Học sinh ở đây rất ngoan, lễ phép và chăm chỉ nhưng vẫn còn khó khăn hơn ở nơi khác vì bố mẹ còn nghèo.
Nhiều em được đến trường nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức xã hội. Đồ dùng phục vụ học tập và giảng dạy của thầy cô và học trò ở đây vẫn còn thiếu thốn.
Nhưng tôi thương nhất là các em rất thích thú và thèm sữa. Phần lớn các em, ngoài sữa mẹ thì chưa biết hộp sữa tươi là gì. Nhiều em được uống 1, 2 lần thì luôn nhắc tới với sự thèm thuồng, khát khao", thầy Thuận tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng nghiệp vụ y – Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cũng bày tỏ nỗi niềm như tâm sự của thầy Thuận.
Theo ông Sơn, trong 18 đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Nam thì ở 6 huyện miền núi gồm: Nam Trà My, Bắc Trà My, Nông Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang trẻ em nói chung, học sinh nói riêng còn nhiều khó khăn nhất.
"Học sinh đi học nội trú ăn uống theo tiêu chuẩn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh. Tiêu chuẩn này không có khẩu phần sữa hàng ngày.
Tại các huyện này, tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ rất cao vì họ không có điều kiện mua sữa tươi, để hỗ trợ phát triển đồng đều. Hàng nghìn trẻ em ở các huyện này chưa từng được uống sữa tươi bao giờ", ông Sơn nói.
Chính quyền cần doanh nghiệp đồng hành
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh vừa giao cho Sở nghiên cứu triển khai Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường Quốc gia. Nhiệm vụ này vừa được giao trong tháng 12 vừa qua.
Theo ông Hai, hiện Sở Y tế đang lập đề án nhưng chưa có 1 chương trình cụ thể để thực hiện vì có nhiều vướng mắc trong đó quan trọng nhất là kinh phí.
Phòng nghiệp vụ y – Sở Y tế tỉnh Quảng Nam là đơn vị được giao nghiên cứu đề án cũng cho biết vấn đề kinh phí là trở ngại lớn nhất cho việc thực hiện chương trình sữa học đường.
"Kinh phí đang là cản trở lớn nhất của tỉnh Quảng Nam. Nếu lấy nguồn ngân sách từ địa phương thì phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, lập nghị quyết đưa ra HĐND cấp tỉnh thông qua.
Việc làm này sẽ rất tốn thời gian và chưa thể dự trù được số tiền cần để thực hiện trong 1 năm ở địa bàn toàn tỉnh.
Chúng tôi đang ưu tiên kế hoạch vận động các doanh nghiệp tài trợ để thực hiện trước ở 6 huyện miền núi", ông Sơn cho hay.
Ngoài ra, ông Sơn cũng cho biết việc cho toàn bộ trẻ em mẫu giáo, tiểu học uống sữa hàng ngày là chương trình vô cùng đúng đắn của Chính phủ.
Tuy nhiên, Sở Y tế Quảng Nam chưa có kinh nghiệm nên chưa thể quyết định sẽ sử dụng loại sữa nào, của hãng nào hoặc nguồn sữa có chất lượng.
"Quảng Nam đang rất cần các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành sữa đồng hành cùng chính quyền thực hiện chương trình sữa học đường mà trước mắt là đưa sữa lên vùng cao.
Chúng tôi đã có hồ sơ đề nghị 1 số đơn vị phối hợp hỗ trợ nhưng chưa nhận được câu trả lời. Tôi hy vọng rằng sẽ có doanh nghiệp cùng thực hiện để trẻ em vùng cao được uống sữa mỗi ngày góp phần nâng cao thể trạng người Việt", ông Sơn nói.
Kinh nghiệm triển khai Chương trình Sữa học đường từ Nghệ An
Cũng với mong muốn như tỉnh Quảng Nam, tỉnh Nghệ An đã đi đầu trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ và triển khai thành công Chương trình Sữa học đường.
Năm học 2015-2016, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4507/QĐ-UBND.VX phê duyệt Đề án thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chương trình hỗ trợ học sinh mẫu giáo, tiểu học uống sữa theo các diện sau:
- Diện A: Học sinh con thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo: Miễn phí 100%.
- Diện B: Học sinh thuộc hộ cận nghèo: Miễn phí 50%.
- Diện C: Học sinh thuộc diện còn lại: Miễn phí 30%.
Với tinh thần xã hội hóa, Chương trình huy động tài chính từ các nguồn lực:
-Thứ nhất là các bậc phụ huynh (là nguồn lực chủ yếu)
- Thứ hai là ngân sách nhà nước
- Thứ ba là Cộng đồng, Xã hội (gồm có doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước).
Tập đoàn TH- đơn vị sở hữu thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK đã tham gia Chương trình với vai trò thứ 3- nhà tài trợ, và được đánh giá cao vì là doanh nghiệp chế biến sữa có sản phẩm sữa tươi đạt đạt chuẩn học đường (sữa TH school MILK).
Khi triển khai Chương trình, TH true MILK đáp ứng các yêu cầu về hỗ trợ tài chính, đảm bảo mọi trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học đều được uống sữa học đường tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình.
Trong Chương trình của tỉnh Nghệ An, tập đoàn đã tài trợ 10% chi phí hỗ trợ sữa cho học sinh và tạm ứng phần hỗ trợ còn lại.
Kết quả: năm học 2015-2016 đã có 17/21 huyện thị ở Nghệ An thực hiện Chương trình sữa học đường. Tới năm học 2016-2017, Chương trình được triển khai trên toàn tỉnh.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, mô hình Sữa học đường tại tỉnh Nghệ An có thể nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.