Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân, ai là người mạnh nhất theo đánh giá của Tào Tháo?
Tào Tháo nói về Quan Vũ
Nói về Quan Vũ, uy danh của vị võ tướng này có thể xem là lừng lẫy nhất thời bấy giờ. Tào Tháo tuy biết Quan Vũ theo Lưu Bị nhưng vẫn rất xem trọng ông.
Tam quốc diễn nghĩa hồi 24 viết, Tào Tháo tấn công Từ Châu 2 lần. Lần đầu đánh Đào Khiêm để báo thù cho cha, lần 2 là đánh Lưu Bị.
Trong trận chiến Từ Châu, Tào Tháo khởi 20 vạn binh, chia làm 5 đường. Trước hết, Tào Tháo cần chiếm được thành Tiểu Bái - nơi Lưu Bị cùng Trương Phi trấn thủ. Phá được quân chủ lực của Lưu Bị, Tào Tháo nhanh chóng chiếm được Từ Châu, Hạ Bì, vây Quan Vũ trên núi. Quan Vũ vì bảo vệ gia quyến Lưu Bị, buộc phải hàng Tào Tháo và trở thành quan dưới trướng của ông ta.
Tào Tháo chấp nhận những yêu cầu khắt khe của Quan Vũ với hy vọng thu phục được viên tướng này. (Ảnh: Sohu)
Hồi thứ 25 viết rằng, Quan Vũ nêu điều kiện chỉ hàng vua Hán, không hàng Tào Tháo và khi biết tin Lưu Bị ở đâu sẽ xin đi ngay. Tào Tháo chấp nhận tất cả, hy vọng sớm thu phục được viên mãnh tướng này. Tào Tháo tổ chức “3 ngày một tiệc nhỏ, 5 ngày một tiệc lớn” để mừng có Quan Vũ, lại đưa 10 người con gái đẹp đến hầu. Tào Tháo còn không tiếc mang cả ngựa Xích thố đến tặng cho Quan Vũ.
Năm đó, khi Tào Tháo và Viên Thiệu đối đầu, Quan Vũ đã trả ơn Tào Tháo bằng cách lấy đầu của Nhan Lương, viên tướng có võ công cái thế dưới trướng Viên Thiệu. Với Quan Vũ, lấy đầu của kẻ này cũng chỉ dễ dàng như lấy một đồ vật trong túi.
Sau đó, Quan Vũ tiếp tục lấy thủ cấp của Văn Xú, uy danh của ông càng khiến người đời thán phục, cũng làm cho quân địch càng thêm phần khiếp sợ. Khi nghe tin Lưu Bị đang ở bên Viên Thiệu, Quan Vũ lập tức đi tìm. Tào Tháo muốn giữ Quan Vũ lại nên đã gây khó dễ, không cấp giấy thông hành để ông qua ải.
Quan Vũ đành mở đường máu rời khỏi Hứa Xương. Trên đường đi, ông vượt 5 ải, chém 6 tướng của của Tào Tháo, đó là: Qua ải Đổng Lĩnh chém Khổng Tú, đến ải Lạc Dương chém Hán Phúc và Mạnh Thẩn, qua Nghi Thuỷ giết Biện Hỷ, vượt ải Huỳnh Dương chém Vương Thực, đến bờ Hoàng Hà giết Tân Kỷ. Thấy vậy, Tào Tháo vẫn truyền công văn để thả Quan Vũ đi.
Tào Tháo luôn coi Quan Vũ là vị tướng vừa giỏi võ, vừa có tài trí. (Ảnh: Sohu)
Tam quốc chí chép, Tào Tháo từng sai Trương Liêu tới dụ hàng Quan Vũ, Quan Vũ thở dài nói: “Ta biết Tào Công đối đã với ta rất hậu, nhưng ta đã chịu ơn của Lưu tướng quân, không thể bội ước. Ý ta muốn lập công để báo ơn Tào Công rồi sẽ đi”.
Tào Tháo nghe Trương Liêu báo về, lấy làm khâm phục Quan Vũ. Tới khi Quan Vũ giết Nhan Lương, Tào Tháo biết chắc chắn Quan Vũ sẽ bỏ đi. Quan Vũ bỏ trốn đến trại Viên Thiệu, các tướng muốn bắt về, Tào Tháo nói: “Người ấy bỏ đi vì chủ, chớ nên đuổi theo” . Chi tiết này cho thấy trong mắt Tào Tháo, Quan Vũ là người rất trọng tình trọng nghĩa, vậy nên khi Quan Vũ bỏ đi, ông cũng không ngăn cản.
Không chỉ coi trọng Quan Vũ là người trung nghĩa, trong mắt Tào Tháo, ông còn là vị tướng có thực lực đáng nể. Đó là khi Quan Vũ đánh tan 7 đạo quân Ngụy ở Phàn Thành dựa vào mưa lũ. Sau khi chém tướng Ngụy là Bàng Đức, Quan Vũ định thừa thắng xông lên san phẳng Phàn Thành và đánh tới kinh đô để bắt Tào Tháo. Ngay sau khi hay tin Quan Vũ giành chiến thắng vang dội, Tào Tháo khi đó rất lo lắng tới mức định dời đô và đưa Hán Hiến Đế ra khỏi Hứa Xương.
Chi tiết này cũng cho thấy Tào Tháo thực sự có phần kinh sợ đối với thực lực và tài trí của Quan Vũ.
Tào Tháo nhận xét về Trương Phi
Theo trang Qulishi, nếu so sánh những chiến công của Trương Phi với Quan Vân Trường, viên đại tướng họ Quan quả thực có phần nhỉnh hơn một chút. Chiến công hiển hách nhất của Trương Phi có lẽ là lần ông dùng một tiếng thét dọa lui quân Tào ở cầu Trường Bản.
Khi đó, Trương Phi một mình một ngựa đứng trên cầu hét lớn: "Ta là Trương Dực Đức, người nước Yên. Ai dám cùng ta quyết trận sinh tử".
Trương Phi có sức mạnh phi thường, tiếng thét có thể dọa tướng địch sợ đến chết. (Ảnh: Sohu)
Biết Tào Tháo vốn tính đa nghi, bấy giờ nhìn thấy phía sau Trương Phi cát bụi mù mịt nên mới lo sợ có phục binh. Đúng lúc đó, một viên tướng của phe Tào bị tiếng thét của Trương Dực Đức dọa chết. Chính những điều này khiến cho quân Tào quyết định lui binh.
Vì thế, dù không trực tiếp giao thủ nhưng trong suy nghĩ của Tào Tháo, sức mạnh của Trương Phi có phần khiến ông ta kiêng dè.
Cái nhìn của Tào Tháo với Triệu Vân
Triệu Vân không chỉ có võ nghệ cao cường mà còn có tài mưu lược hơn người. Vì vậy, ông được đánh giá là người văn võ song toàn. Ban đầu, Triệu Vân đầu quân cho Công Tôn Toản. Sau khi Công Tôn Toản bị Viên Thiệu tiêu diệt, Triệu Vân theo Lưu Bị và hết lòng trung thành với nhà Thục Hán cho tới khi qua đời.
Ông nổi tiếng với tài dùng thương, mười dũng tướng của Tào Tháo không địch nổi một mình Triệu Vân. Với tài thương thuật của mình, Triệu Vân có thể dũng mãnh tả xung hữu đột, giành chiến thắng trong vòng vây kẻ địch.
Ông được Lưu Bị ngợi khen như là một vị võ tướng dũng khí có thừa.
Triệu Vân một mình phá vòng vây của quân Tào để cứu con trai Lưu Bị. (Ảnh: Sohu)
Tào Tháo cũng từng chạm trán Triệu Vân trong trận Trường Bản. Khi thấy Triệu Vân một mình phá vòng vây của quân Tào để cứu A Đẩu (con trai Lưu Bị), Tào Tháo nhận xét: "Thật là một hổ tướng". Thậm chí, lúc đó, Tào Tháo ra lệnh cho binh sĩ không được bắn tên và phải bắt sống Triệu Vân vì muốn chiêu mộ võ tướng này.
Như vậy, đối với Tào Tháo, Triệu Vân là viên tướng có tài hiếm có.
Từ 3 ý trên, có thể thấy, trong mắt Tào Tháo, Quan Vũ là người vừa có võ công cao cường, vừa có tài thao lược. Trương Phi là người mạnh thứ 2 và cuối cùng là Triệu Vân.