Sau khi bị Lã Mông (tướng của Đông Ngô) lấy mất Kinh Châu, vùng đất trọng yếu trong Tam Quốc, Quan Vũ đã cùng đường. Đầu năm 220, Quan Vũ bị quân Đông Ngô bắt sống và hành quyết khi trên đường chạy tới Lâm Thư.
Việc mất Kinh Châu và Quan Vũ chết đột ngột đã trở thành sự kiện bước ngoặt trên bàn cờ chính trị Tam Quốc, đặc biệt khiến cục diện Thục Hán xảy ra nhiều biến số.
Để mất Kinh Châu, Quan Vũ không chỉ khiến phe Thục Hán chịu tổn thất nặng nề về lực lượng mà còn khiến chính bản thân ông và con trai phải mất mạng. Hơn nữa, thất bại và sự ra đi của Quan Vũ khiến chiến lược của Gia Cát Lượng vạch ra ở Long Trung không còn khả thi. Sau đó, vì nóng vội đi trả thù cho Quan Vũ, nên Trương Phi đánh đập tướng sĩ và cuối cùng bị hai bộ tướng cấp dưới là Phạm Cương và Trương Đạt ám sát năm 221.
Quan Vũ bị quân Đông Ngô bắt sống và hành quyết vào đầu năm 220.
Cùng năm, về phía Lưu Bị, do muốn trả thù với Quan Vũ và muốn đòi lại Kinh Châu nên huy động đại quân đi đánh Đông Ngô mà không suy tính lẽ thiệt hơn, gạt bỏ nhiều lời khuyên can của những người xung quanh. Kết quả, Lưu Bị và đại quân Thục Hán bị Lục Tốn (tướng Đông Ngô) đánh thua to ở Di Lăng vào khoảng tháng 8/222. Trong trận chiến này, rất nhiều võ tướng chết trận và Thục Hán cũng chịu tổn thất nặng nề, còn Lưu Bị phải tháo chạy về thành Bạch Đế.
Theo ghi chép trong sử sách, thất bại ở Di Lăng là đòn chí mạng đối với Lưu Bị, dù sau này giảng hòa được với Đông Ngô. Hơn nữa, do không thể chiếm lại vùng đất trọng yếu như Kinh Châu nên sách lược "Long Trung đối sách" mà Gia Cát Lượng đề ra cũng khó thực hiện được nữa. Mặt khác, việc Thục Hán đi đánh Tào Ngụy để phục hưng Hán thất lại càng khó hơn. Do lo buồn quá nhiều khiến sức khỏe của Lưu Bị ảnh hưởng nghiêm trọng và cuối cùng vị hoàng đế này lâm bệnh nặng, qua đời ở thành Bạch Đế vào năm 223.
Lưu Bị nóng lòng muốn báo thù cho Quan Vũ và lấy lại Kinh Châu nên cuối cùng đại bại ở Di Lăng, gây ra tổn thất lớn cho Thục Hán.
Sau thất bại nặng nề của Lưu Bị ở Di Lăng, thực lực của Thục Hán sa sút trầm trọng, trở thành "kẻ yếu nhất" trong ba nước Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.
Theo lẽ thường, với tình hình này, đây chính là thời điểm tốt nhất để Tào Ngụy tiêu diệt Thục Hán. Tào Phi, con trai Tào Tháo, khi đó là hoàng đế của Tào Ngụy, nên nhân cơ hội hiếm có này đem đại quân tiến đánh Thục Hán. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là Tào Phi lại "án binh bất động", hoàn toàn không lợi dụng thời cơ này để tiêu diệt Thục Hán.
Nhiều người dưới trướng của Tào Phi không hiểu vì sao vị hoàng đế này lại bỏ qua một cơ hội tốt như vậy. Thậm chí, ngay cả một người tài năng, túc trí đa mưu như Tư Mã Ý cũng phải mất tới 22 năm mới biết được nguyên nhân đằng sau quyết định của Tào Phi.
Đó là gì?
22 năm sau, Tư Mã Ý mới hiểu quyết định của Tào Phi
Tào Phi đưa ra quyết định bất ngờ sau khi Thục Hán thất bại thảm hại ở Di Lăng.
Nhiều người cho rằng sở dĩ Tào Phi không nhân cơ hội tấn công Thục Hán mà đem quân tấn công Đông Ngô chủ yếu là do Thục Hán quá yếu, đã mất đi mối đe dọa với Tào Ngụy. Trong khi đó, điều Tào Phi không ngờ là Tôn Quyền, vị quân chủ của Đông Ngô, ban đầu chủ trương xưng thần với Tào Ngụy, nhận phong là Ngô vương, nhưng sau đó lại ly khai vào năm 222.
Hơn nữa, sau trận Di Lăng, thực lực của Đông Ngô tăng vọt. Có lẽ Tào Phi cho rằng Đông Ngô mới thực sự là thế lực đe dọa tới chính quyền còn non trẻ của Tào Ngụy lúc bấy giờ nên đã quay sang tấn công nước này.
Đánh Thục Hán không dễ
Sau trận Di Lăng, Thục Hán quả thực suy yếu trầm trọng, nhưng điều này không có nghĩa là nước này không có cơ hội lội ngược dòng. Sở dĩ Ngụy Văn Đế Tào Phi quyết định không tấn công Thục Hán vì ông nhận ra Tào Ngụy thật sự không đủ khả năng để làm việc này.
Tào Phi biết rõ tuy Thục Hán suy yếu nhưng địa hình của Thục Hán, đặc biệt là Hán Trung lại rất phức tạp. Nơi này dễ thủ khó công, không hợp để thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn. Chính vì vậy, Tào Phi cho rằng dù có tiêu diệt được Thục Hán, nhưng ông và Tào Ngụy sẽ phải trả một cái giá đắt.
Vương Bình là vị tướng lập được nhiều chiến công cho Thục Hán. Trong đó, ông từng thống lĩnh đội quân chặn đường tấn công của quân Tào Ngụy vào năm 244.
Tâm tư của Tào Phi phải đến 22 năm sau Tư Mã Ý mới hiểu ra. Cụ thể, năm 244, Tào Sảng, một quyền thần của Tào Ngụy, đã chỉ huy 100.000 quân từ Lạc Khẩu tấn công vào Hán Trung, từ đó nhân cơ hội tiêu diệt Thục Hán. Đáng tiếc, Tào Sảng không chỉ không thực hiện việc này mà còn bị quân Thục (lúc đó chưa đầy 30.000 người) do Vương Bình chỉ huy chặn đánh giữa vùng núi của Hán Trung.
Khi quân tiếp viện từ Thành Đô đến, đại quân của Thục Hán đã cắt đứt đường tấn công của quân Ngụy. Cùng lúc đó, tại Đê Giang và Quan Trung lại xảy ra bệnh dịch, khiến quân Ngụy không đủ lương thảo cung ứng. Tào Sảng và quân Ngụy không chống nổi nên phải rút lui.
Sau 22 năm, cuối cùng Tư Mã Ý mới hiểu quyết định khác thường của Tào Phi về việc không tấn công Thục Hán.
Sau trận chiến này, quân Ngụy bị tổn thất nặng nề, danh tiếng và uy tín của Tào Sảng cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Chính tổn thất trong cuộc tấn công Thục Hán góp phần dẫn tới sự thất bại cuối cùng của Tào Sảng dưới tay Tư Mã Ý vào năm 249, khi chính trị gia, nhà quân sự này phát động sự biến lăng Cao Bình nổi tiếng trong lịch sử.
Rõ ràng, sau 22 năm, một người thông minh và ẩn nhẫn như Tư Mã Ý mới nhận ra Tào Phi sáng suốt cỡ nào với quyết định không tấn công Thục Hán sau khi Lưu Bị đại bại ở Di Lăng. Việc Tào Ngụy liều lĩnh tấn công Thục Hán khi đó há chẳng phải là một việc tốn công vô ích hay sao. Đứng trên cương vị của một vị hoàng đế vừa mới lên ngôi với tình hình đất nước còn chưa ổn định, quyết định của Tào Phi là hoàn toàn đúng đắn.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, 163, Baidu