Giây phút vỡ òa với bàn thắng của Vũ Tiến Long, cảm giác nhẹ nhõm khi kết thúc 95 phút chiến đấu kiên cường và niềm vui sướng sau đó vì cầm hòa Hàn Quốc ở VCK U23 châu Á , tất cả có thể chỉ tồn tại trong tưởng tượng nếu không có khoảnh khắc diệu kỳ được tạo ra bởi Quan Văn Chuẩn phút 42.
Sau cú ra chân nhanh chớp nhoáng, Eom Ji-sung không thể tin nổi bóng lại không đi vào lưới. Gục xuống ôm đầu rồi ngước lên, đôi mắt bàng hoàng của tiền đạo người Hàn Quốc như muốn nói, thế lực siêu nhiên nào đã ngăn cản bàn thắng mười mươi đó.
Không có thần thánh nào ở đây, chỉ là chàng trai mặc áo vàng với khuôn mặt lấp lánh mồ hôi vì ngược nắng. Eom Ji-sung rất nhanh nhưng Văn Chuẩn còn nhanh hơn thế. Sự tập trung giúp Chuẩn nắm bắt chính xác các diễn biến, phân tích chuyển động của đối thủ và dự đoán điều gì sắp xảy ra. Vì vậy ngay khi Eom Ji-sung tung cú sút anh đã ở tư thế sẵn sàng, sau đó ngả người, hất văng quả bóng khỏi khung thành. Đó là lý do Chuẩn khiến chân sút người Hàn thất vọng không chỉ một lần.
Quan Văn Chuẩn liên tiếp có những pha cứu thua xuất sắc trong trận đấu với Hàn Quốc. (Ảnh: AFC)
Phút 13 Eom Ji-sung cũng tiến rất gần tới bàn thắng, nhưng Văn Chuẩn hiện ra, dùng cả thân mình cản bóng, đẩy mối nguy hại đi xa. Điều tuyệt vời hơn cả, không có hành động quá khích nào sau mỗi pha cứu thua, Chuẩn đứng dậy và lùi về đúng vị trí để chuẩn bị cho tình huống tiếp theo.
Không điều gì khiến thủ môn của U23 Việt Nam bị phân tâm, kể cả khi mắc sai lầm. Trận gặp Thái Lan, không lâu sau khi vào sân thay Văn Toản, Chuẩn có pha chuyền bóng lỗi phút 44. Phút 57 Chuẩn không thể xử lý gọn gàng cú sút xa của Kritsada. Nhưng sai lầm không nhấn chìm Chuẩn. Càng về sau, Chuẩn càng chuẩn. Rồi trở thành người hùng, vị cứu tinh ở trận đấu với Hàn Quốc.
Dấu hiệu nhận biết một thủ môn giỏi là tâm lý vững vàng và một tinh thần mạnh mẽ. Từ bé Chuẩn đã có phẩm chất ấy.
Bà Ma Thị Bình, mẹ của Chuẩn, kể với phóng viên báo Tiền Phong: “Lúc mới 4 tuổi Chuẩn đã bện lá chuối khô thành quả bóng và đá vào tường. Lớn hơn một chút Chuẩn biết tự nấu cơm, làm thức ăn đợi bố mẹ đi làm đồng về”. Thế nên cậu có chơi bóng cả ngày bố mẹ cũng không cáu được.
Văn Chuẩn trên sân tập. (Ảnh: VFF)
Chỉ có điều Chuẩn mê quá, chơi bóng bất kể giờ giấc. Dù là đêm khuya hay lúc giữa trưa, lúc nào cũng quần thảo với trái bóng tự làm. Giờ nghỉ trưa mẹ quát. Yên tĩnh được một lúc tưởng đã thôi, ai ngờ Chuẩn đi rủ bạn bè về đá cùng. Dù nhỏ tuổi nhưng Chuẩn rất có tư chất thủ lĩnh, tự gom quân, sắp xếp đội hình, ai đá chỗ này ai chơi vị trí kia.
Đá mãi quả bóng làm bằng lá chuối, bà Bình thương lắm, mới đi mua “cái bóng” về cho con. Anh Chuẩn lớn hơn 6 tuổi được “cái bóng da”, em “cái bóng nhựa”. Thế nhưng Chuẩn khóc mãi, đòi “cái bóng” giống anh. Không làm sao được, mẹ đành ra chợ lần nữa, mang về “cái bóng” tương tự.
Cứ nghĩ con chỉ đá cho vui, học vẫn là chính, vậy mà năm lớp 4 Chuẩn đĩnh đạc về thưa mẹ, rằng “các thầy trên Tuyên Quang về tuyển, con mê lắm, mẹ cho con đi mẹ nhé”. Chiều con, hôm sau bà Bình cũng theo con xuống thị xã. Trước khi đi mua cho Chuẩn chiếc áo màu cam mặc cho ra dáng.
Áo đấu của 3 thủ môn U23 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á. (Ảnh: VFF)
Lúc đá xong, thấy mấy người đi vào “lôi cái đứa mặc áo màu cam ra”, hai mẹ con hoảng hồn không biết chuyện gì. Té ra các thầy ấn tượng với “thằng nhỏ mặc áo cam”, muốn mẹ con ra làm thủ tục vào Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh.
Không hề chuẩn bị cho tình huống này, mẹ Chuẩn xin 1 tuần để suy nghĩ. Điều bà lo lắng nhất là Chuẩn còn nhỏ quá, sợ không chịu được cảnh xa nhà, lại ăn uống tập luyện kham khổ. Chính vì lý do này, 6 năm trước bà đã từ chối không để anh trai Chuẩn gia nhập đội. Nhưng Chuẩn khăng khăng muốn đi, buộc bố mẹ phải chiều lòng.
Rồi Chuẩn đặt vấn đề, bố mẹ làm cho con bữa cơm liên hoan chia tay mọi người. Mổ gà xong xuôi, cậu bé 9 tuổi cũng tự đi mời khách, là các anh bộ đội về làm đường quốc lộ. Còn bé tí nhưng Chuẩn đã rất quảng giao. Trước đó, cậu không những kết thân với các anh mà còn… xin được 2 xe đất về san con đường trước nhà cho dễ đi khiến bố mẹ cũng bất ngờ.
Văn Chuẩn luôn nỗ lực tập luyện ngay cả khi không được bắt chính. (Ảnh: VFF)
Lên đội, Chuẩn chỉ xin mẹ ở lại cùng 1 tuần đầu. Ngày cuối, lúc Chuẩn đang ăn cơm thì mẹ ra xe. Chuẩn biết, tất tả chạy ra. Xe lăn bánh, cả hai mẹ con cùng khóc. Suốt dọc đường Chuẩn liên tục gọi điện chỉ để hỏi mẹ đã về đến nhà chưa.
Buổi chiều, Chuẩn lại gọi một lần nữa, nói rằng con nhìn về phía mặt trời lặn, lòng nhớ mẹ, nhớ nhà không chịu nổi, chỉ muốn bỏ hết để về bên mẹ.
Thế nhưng hai tháng sau, khi một bạn mới đến trung tâm vào ở cùng phòng, chính Chuẩn là người dỗ dành bạn nín khóc, giúp bạn vơi nỗi nhớ nhà. Những lần bố mẹ đến thăm, ngày đầu Chuẩn còn sà vào lòng mẹ. Các ngày sau cậu đã trở nên chững chạc, chạy đi lấy nước mời bố mẹ, bảo bố mẹ nghỉ ngơi rồi ra bước sân tập. Lúc chia tay, cậu nói bố mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, nhìn bố mẹ đi khuất rồi trở lại.
Chuẩn vẫn nhìn về phía mặt trời vào mỗi buổi chiều nhưng không phải để khóc, mà để cố gắng hơn. Cậu dần biết rằng hy vọng cũng giống như mặt trời, nếu hướng về nó, mọi khó khăn, ưu phiền sẽ ở lại sau lưng.
Trước khi là một thủ môn, Văn Chuẩn đá ở vị trí hậu vệ. (Ảnh: VFF)
Về sau nếu có buồn, chỉ là vị trí của Chuẩn trên sân. Ban đầu Chuẩn đá hậu vệ. Đến khi vào đội U13, thủ môn của đội, cũng cùng làng nhưng lớn tuổi hơn, nhát bóng quá, thường lấy tay che mặt. Thầy Hoàng Mạnh Hùng đành tìm thủ môn mới, bảo ai bắt được thầy thưởng. Thử từng người, đến Chuẩn thầy ưng ngay, cố định luôn cậu ở vị trí gác đền.
Đang tự do cùng trái bóng bỗng gắn chặt với khung gỗ, Chuẩn không chịu, gọi điện về cho mẹ nói “đứng một chỗ chán lắm mẹ ạ”. Bà Bình không biết làm sao, chỉ khuyên “thầy cũng như bố mẹ, nói gì con phải nghe, phải tuân thủ sự sắp xếp của thầy”.
Rồi Chuẩn đam mê với vài trò chốt chặn lúc nào không hay. Và việc xuất thân cầu thủ giúp Chuẩn chơi chân cũng rất cừ, đồng thời đọc tình huống tốt. Cựu thủ môn Dương Hồng Sơn, người từng dẫn dắt Chuẩn ở đội trẻ Hà Nội FC cũng như CLB Phú Thọ từng ca ngợi cậu học trò “có những tố chất của thủ môn hiện đại, biết chơi chân và làm chủ không gian vòng cấm”.
Không chỉ khiến bóng đi chệch hướng, Văn Chuẩn còn làm chệch hướng kịch bản trận đấu với Hàn Quốc. (Ảnh: AFC)
Tuy nhiên, để một thủ môn có được chỗ đứng trong đội hình là điều rất khó. Với các cầu thủ dự bị, cơ hội ra sân luôn có. Nhưng là thủ môn số 2 hoặc số 3, khả năng ấy rất thấp. Họ sẽ tập luyện miệt mài chỉ để ngắm nhìn các đồng đội thi đấu từ băng ghế dự bị. Cách đây ít ngày nếu tìm ảnh của Chuẩn trong màu áo đội tuyển, tất cả đều trên sân tập.
Thấy con ngồi ngoài, bà Bình có hỏi thì Chuẩn nói: “Mẹ ơi, các anh lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm hơn nên bắt chính là đúng rồi. Con phải cố gắng thêm. Con còn trẻ, còn nhiều cơ hội. Giống như bố mẹ làm nông, phải gieo cấy, chăm bẵm mới đến ngày thu hoạch. Ngày ấy của con chưa tới, nhưng sẽ tới”.
Phút 37 trận gặp Thái Lan ở VCK U23 châu Á, Văn Toản chấn thương. Ngồi trước TV, ai cũng bảo “thế nào Chuẩn nhà mình cũng được vào”. Bà Bình cũng hy vọng điều đó. Lúc Chuẩn vào thật bà lại thấy lo. Bao nhiêu câu hỏi vụt lên, rằng liệu Chuẩn có bắt tốt không, có chấn thương không?
Tất cả chỉ qua đi khi Chuẩn đứng vào khung gỗ. Dáng vẻ tự tin, bình thản trước áp lực cùng ánh mắt ngời sáng luôn mang lại cảm giác an tâm. Như đóa hướng dương tìm về ánh mặt trời, chàng trai ấy luôn hướng về phía trước và cháy hết mình để thành công.