Phó Chính Hoa là cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc, cựu Thứ trưởng Bộ Công an; còn Tôn Lực Quân mới được thăng chức Thứ trưởng Bộ Công an cách đây 4 năm.
Phó Chính Hoa sinh năm 1955, là "lão làng" trong ngành công an Trung Quốc, trong khi Tôn Lực Quân từng là Thứ trưởng trẻ nhất của Bộ Công an, sinh năm 1969.
Làm thế nào mà người trước lại sẵn sàng gia nhập "nhóm lợi ích" của người sau và chấp nhận làm "vai phụ"?
"Tham gia băng đảng chính trị" của cấp dưới
Cuối tháng 3, trang web của Ủy ban Giám sát Nhà nước thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) thông báo rằng, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp giai đoạn 2018-2020 Phó Chính Hoa đã bị cách chức và khai trừ khỏi đảng.
Phó Chính Hoa - Cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc. Ảnh: Ifeng
Thông báo cho biết, Phó Chính Hoa "hoàn toàn từ bỏ lý tưởng và niềm tin của mình, không bao giờ thực sự trung thành với đảng và nhân dân, hoàn toàn đánh mất các nguyên tắc của đảng"; đồng thời công bố 9 "tội nghiêm trọng" của Phó Chính Hoa. Trong số đó, tội "tham gia băng đảng chính trị của Tôn Lực Quân" là khó hiểu nhất.
Trong bộ phim tài liệu chống tham nhũng "Không khoan dung" được phát sóng vào tháng 1/2022 trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, Phó Chính Hoa đã xuất hiện với tư cách là một thành viên trong băng đảng của Tôn Lực Quân.
Vào thời điểm đó, khi đề cập đến băng đảng Tôn Lực Quân, bộ phim "Không khoan dung" đã bình luận rằng: "Vụ án băng đảng chính trị Tôn Lực Quân là một ví dụ điển hình về sự vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị của đảng kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (năm 2012)".
Cũng theo bộ phim tài liệu, "cuộc điều tra về vụ án băng đảng chính trị Tôn Lực Quân vẫn đang được tiến hành. Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã quyết định điều tra cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phó Chính Hoa và những người khác".
Phó Chính Hoa xuất hiện trong bộ phim tài liệu chống tham nhũng "Không khoan dung". Ảnh chụp màn hình
Kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 18, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã phanh phui nhiều vụ án lớn về "các băng đảng", như vụ Chu Vĩnh Khang - cựu Bộ trưởng Bộ Công an, vụ Quách Bá Hùng - cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, vụ Từ Tài Hậu - cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, và vụ Lệnh Kế Hoạch - cựu Chánh Văn phòng Trung ương ĐCSTQ.
Tuy nhiên, những vụ án băng đảng liên quan đến nhiều người như vậy đều do những nhân vật có chức quyền cao nhất cầm đầu.
Vì vậy, theo trang tin HK01.com của Hong Kong, chỉ có một lý do giải thích tại sao Phó Chính Hoa lại "quy thuận" Tôn Lực Quân, đó là Tôn có những "quyền lực" mà Phó không có, hoặc như nhiều người đồn đoán, Tôn ít nhất phải làm cho Phó tin rằng Tôn có "quyền lực" này.
Tôn Lực Quân - Cựu Thứ trưởng Bộ Côna an Trung Quốc. Ảnh: 163.com
Quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới
Thông tin nhà nước Trung Quốc cho thấy, sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 17 vào năm 2008, Tôn Lực Quân được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng thuộc Bộ Công an nước này.
Còn Phó Chính Hoa trở lại Bộ Công an vào năm 2013 và giữ chức Thứ trưởng, đồng thời kiêm nhiệm chức Phó Thị trưởng và Cục trưởng Cục Công an Bắc Kinh. Hình thức kiêm nhiệm chức vụ này được coi là "sáng kiến đầu tiên" của Phó Chính Hoa sau khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Từ thời điểm này, hai người mới có liên hệ với nhau.
Từ năm 2013, Tôn Lực Quân từ việc đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục 1 (Cục An ninh Nội địa) - đơn vị trọng yếu nhất của Bộ Công an Trung Quốc - và đã không ngừng kiêm nhiệm các chức vụ Cục trưởng Cục 26 (Cục Chống tà giáo), Phó chủ nhiệm Văn phòng 610 Trung ương ĐCSTQ (Văn phòng Nhóm dẫn đầu về Ngăn chặn và Xử lý các vấn đề về tà giáo của Trung ương ĐCSTQ), Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Hồng Kông, Macao và Đài Loan của Bộ Công an Trung Quốc.
Năm 2016, Tôn Lực Quân được thăng chức Thứ trưởng Bộ Công an.
Năm 2018, Phó Chính Hoa chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Từ đó, hai người không còn liên hệ với nhau nữa.
Theo những mốc thời gian này, Phó Chính Hoa thường đi trước Tôn Lực Quân một hoặc hai bước, và không có lý do gì để Phó phải phục tùng Tôn trong mọi trường hợp.
Về tội của Phó Chính Hoa, bản thông báo của Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc cho biết, ông ta đã kết thân với một số "kẻ dối trá chính trị".
Theo trang tin HK01, những kẻ này thường tự nhận "mình có thân phận đặc biệt", "quen biết thủ trưởng" hoặc là "người thân của các cán bộ lãnh đạo" và sở hữu "nhiều cơ hội chính trị hiếm có"; khi vụ việc bị bại lộ, điều dễ nhận thấy là danh tính thực của những kẻ này "không có gì quá nổi bật".
Thông báo của CCDI không chỉ đích danh "kẻ dối trá chính trị" liên quan đến Phó Chính Hoa, nhưng theo trang tin Hk01.com, nhân vật này có nhiều đặc điểm rất giống Tôn Lực Quân.
Tôn Lực Quân sinh ra ở Thượng Hải, từng làm ở văn phòng bảo hiểm y tế với tư cách là phiên dịch viên, và cũng đã có quan hệ buôn bán gang thép với một số doanh nhân ở thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) và luôn có tham vọng thăng quan tiến chức. Chính những năm tháng này đã góp phần tạo nên một "băng đảng chính trị nhỏ" do Tôn đứng đầu.
HK01 nhận định, Phó Chính Hoa thực ra khá đáng thương khi bị một "đàn em" gian manh là Tôn Lực Quân dụ dỗ mà không hề hay biết.