Một chuỗi quán bar mới nổi ở thủ đô của Hàn Quốc đang thu hút sự chú ý của cộng đồng ăn chơi với một loạt các món đồ uống đa dạng, một điểm nhấn công nghệ thú vị và mọi người đến đây sẽ có cơ hội tự trở thành một bartender cho chính mình.
Tại Tap Public, bạn có thể chọn đến 60 loại bia khác nhau, từ các loại bia do các nhãn hiệu nhỏ lẻ trong nước, đến các loại bia nhập từ châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á và một vài nơi khác. Khách hàng sẽ được trao cho một vòng đeo tay với chip tích hợp bên trong, có khả năng tự động ghi lại nhãn hiệu và lượng bia họ đã lấy từ một dãy các vòi bia đặt sát tường.
Bạn có thể lấy bao nhiêu bia tùy thích: hệ thống này sẽ tính tiền theo từng 10ml. Uống một cốc bia khoảng 200ml sẽ có giá khoảng từ 2,75 - 3,7 USD.
"Cái này tính tiền cực dễ luôn. Thử đi" - một người phụ nữ 35 tuổi đang tám chuyện với 3 người bạn khác cho biết.
Cô nói rằng đã thử hơn 10 nhãn hiệu bia khác nhau, chủ yếu là các loại bia thủ công (craft beer). "Tự rót bia quả là mới lạ và hay ho. Thử nhiều loại nhãn hiệu bia khác nhau cũng rất vui".
Mô hình kinh doanh của Tap Public đã gây ngạc nhiên cho cả thị trường quán bar tại Seoul, đặc biệt hấp dẫn đối với bộ phận giới trẻ vốn hạn chế về mặt tiền bạc. Giá đồ ăn và thức uống tại đây được tính toán để số tiền trung bình mà một khách hàng phải chi ra ở mức chấp nhận được, từ 30-40 USD. Dù chi phí thiết lập ban đầu khá cao - chủ yếu là cho hệ thống vòng tay thông minh và các máy chủ quản lý - nhưng chi phí vận hành lại thấp bởi số lượng nhân viên phục vụ tại quán là khá ít.
Concept quán bar này được thai nghén bởi Kevin Moon, người từng mở quán Tap Public đầu tiên tại Seoul vào tháng 11/2017. Công ty của anh hiện quản lý hai quán - một ở khu trung tâm, và một ở khu tập trung nhiều văn phòng làm việc. Quán thứ ba sẽ được mở vào tháng 12 này, và quán thứ tư sẽ khai trương vào năm sau. Moon cho biết anh không có ý định chỉ giới hạn chuỗi bar của mình tại Hàn Quốc.
Chiếc vòng đeo tay này được trang bị chip RFID, giao tiếp với các máy chủ quản lý bia để theo dõi lượng bia người dùng đã rót
"Chúng tôi dự định mở thêm các quán bar bia tự phục vụ ở Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á nữa" - anh nói.
Moon lớn lên tại Mỹ và từng làm việc cho một ngân hàng sau khi đã tốt nghiệp đại học. Sau đó, anh lập nên chuỗi cửa hàng bán kem tại Mỹ, với phong cách hoạt động tương tự như Tap Public. Các khách hàng sẽ lấy kem từ các máy bán kem và chọn các loại topping yêu thích, từ chocolate chip đến trái cây sấy khô. Công ty này ở thời kỳ đỉnh cao đã mở được hơn 100 cửa hàng, bao gồm cả các cửa hàng nhượng quyền, cho đến khi được Moon bán đi.
Hiện nay, anh đang tập trung toàn lực vào thị trường thức uống có cồn ở Hàn Quốc.
Đối với nhiều đàn ông trung niên tại Hàn Quốc, "poktanju", hay "bomb drink", là một thức uống yêu thích. Đây là hỗn hợp của hai loại đồ uống có cồn. Trong khi đó, các nhà sản xuất đồ uống có cồn lớn ở nước này chủ yếu sản xuất các loại bia nhẹ.
Ngược lại, người tiêu dùng trẻ tuổi lại thích các loại bia thủ công sáng tạo, đậm vị hơn. Nắm bắt điều này, nhiều hãng bia nhỏ đã mọc lên như nấm sau mưa. Tap Public mang đến cho người uống cơ hội để thử những thứ mới lạ - từ món này đến món khác.
"Chúng tôi thay thế các nhãn hiệu khi thay đổi mùa để duy trì sự hứng thú của các khách hàng quen thuộc" - Moon nói. Tap Public phát hiện ra rằng hệ thống uống-gì-trả-nấy cũng rất được chị em yêu thích - đây là nhóm khách hàng có sở thích thử nhiều nhãn hiệu bia khác nhau, mỗi loại chỉ một lượng nhỏ mà thôi.
Vào các tối trong tuần, các cửa hàng Tap Public sẽ chật kín khách hàng vào lúc 8 giờ. Các hội chị em trong độ tuổi từ 20-30 chiếm số lượng khá nhiều trong tổng số 120 ghế của quán. Họ nhấm nháp bia cùng các loại đồ ăn kèm theo, từ gà nướng nóng giòn đến những món Mexico cay nồng, hay các loại pizza phô mai thơm phức.
Một điểm hấp dẫn nữa của Tap Public là... Instagram: các khách hàng tỏ ra đặc biệt hứng thú với việc chụp ảnh họ đang tự rót bia và đăng tải lên mạng để khoe với bạn bè.
Tham khảo: Nikkei