Anh Nguyễn Hữu Thành (sinh năm 1989, quê ở Đà Nẵng) có hơn 10 năm lập nghiệp tại Sài Gòn với nghề nội thất. Còn vợ anh làm nhân viên văn phòng.
Khi sinh đứa con đầu cách đây khoảng 5 năm, vợ chồng anh quyết định về quê lập nghiệp. Được chừng 3 năm thì dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng, công việc của 2 vợ chồng bị ảnh hưởng nặng nề.
“Dịch bệnh xảy ra, công việc của tôi chậm dần và gần như là không có việc. Giữa lúc khó khăn đó, 2 vợ chồng quyết định rẽ sang hướng mới là kinh doanh đồ ăn”, anh Thành cho hay.
Anh Nguyễn Hữu Thành, chủ quán Hủ tiếu mực
. |
Vào cuối tháng 7/2020, dịch Covid-19 lần đầu tiên bùng phát ở Đà Nẵng thì tháng 11/2020, quán hủ tiếu đầu tiên của 2 vợ chồng ra đời trên đường Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) sau quyết tâm của 2 vợ chồng.
“Sở dĩ chọn hủ tiếu vì mình thấy vợ nấu món này ngon, hợp vị. Vợ chồng mình rất thích ăn hủ tiếu. Cả hai cũng thuộc kiểu người kén ăn nên hồi ở trong Sài Gòn đi tìm ăn thử khắp nơi để chọn được đúng quán của người địa phương miền Tây nấu. Vợ mình là người thích nấu ăn và có sở trường, mỗi lần đi ăn gì về thường hay làm thử. Nhất là hủ tiếu, cứ ăn tới ăn lui suốt. Khi thấy vợ làm món này hầu hết được mọi người trong gia đình, bạn bè khen ngon nên tôi đã đề xuất với vợ ý tưởng mở bán hủ tiếu”, anh Thành nhớ lại.
Dù món hủ tiếu làm ra được mọi người tấm tắc khen ngon nhưng khi nói đến ý định mở quán thì ai ai cũng can ngăn, bởi thời điểm đó dịch bệnh căng thẳng, phức tạp, không biết quán có tồn tại, trụ được hay không.
Bát hủ tiếu nóng hổi, thơm phức với hải sản tươi ăn kèm muối ớt xanh và rau. |
Mặc dù vậy, anh Thành vẫn nhận thấy nhu cầu về thực phẩm, ăn uống là nhu cầu cần thiết. Bên cạnh đó, Đà Nẵng chưa có nhiều quán bán món ăn này. Món hủ tiếu lại có thể bán được cả ngày nên dù sao cũng sẽ đỡ rủi ro hơn.
Trước khi mở quán, vợ chồng anh mời tất cả hàng xóm xung quanh dùng thử món hủ tiếu.
“Mọi người ngạc nhiên nói Đà Nẵng chưa thấy món này. Sau khi nhận được lời khen ngợi, nhận xét từ mọi người, mình càng tự tin, quyết tâm hơn”, anh Thành nói.
Với số vốn hạn hẹp chỉ 200 triệu đồng, anh Thành thuê mặt bằng trong ngõ để tiết kiệm tiền và mua bàn ghế, đồ đạc. Quán được lấy tên “Hủ tiếu mực”.
Mỗi bát hủ tiếu có giá từ 45.000-65.000 đồng |
Vì sự khác biệt trong khẩu vị vùng miền nên vợ chồng anh nghiên cứu, điều chỉnh để đưa ra cho mình một công thức nấu hủ tiếu riêng không giống bất kỳ đâu, nước dùng có vị ngọt từ xương ống và nước luộc hải sản, vị đậm đà, hợp khẩu vị của người miền Trung hơn.
Theo anh Thành, ngoài nước dùng thì bí quyết để tô hủ tiếu hấp dẫn chính là nguyên liệu tươi ngon, chất lượng: “Tôi không làm tôm thẻ như nhiều nơi khác mà chọn tôm sú Cà Mau, mực là mực ống Đà Nẵng. Nước chấm muối ớt xanh cũng tự làm để giữ hương vị đặc trưng, riêng biệt”.
Ngoài các nguyên liệu tôm, mực, thịt băm, trứng cút, tô hủ tiếu hiện còn có thêm các nguyên liệu mới như chả bò viên, sủi cảo để hấp dẫn thực khách hơn.
Quán Hủ tiếu mực của anh Thành mở bán cả ngày, đông khách nhất là vào buổi trưa. Mỗi ngày bán khoảng 500 bát. |
“May mắn quán mở ra được rất nhiều người ủng hộ, trước tiên là hàng xóm xung quanh, bạn bè. Một phần cái tên quán là “Hủ tiếu mực” cũng gây tò mò. Mọi người đi ngang qua ghé vào ăn thử, thấy ngon, người này lại giới thiệu cho người kia nên khách tìm đến quán càng ngày càng đông. Chứ lúc đó bọn mình không hề quảng cáo gì, đến cả fanpage còn không biết lập, khách vào hỏi làm thế nào để check in tại đây mà hai vợ chồng bó tay thế là khách lập cho luôn”, anh Thành cười nói.
Từ quán hủ tiếu nằm trong ngõ, đến nay anh đã mở rộng quán ra ngay mặt đường Lê Hồng Phong.
Chỉ riêng cơ sở thứ nhất của anh ở số 15 đường Lê Hồng Phong mỗi ngày bán khoảng 500 bát. Mỗi bát hủ tiếu dao động từ 45.000-65.000 đồng. Quán mở cả ngày, không chỉ khách Đà Nẵng mà rất đông khách du lịch cũng đến thưởng thức.
Từ anh chàng làm nội thất bị thất nghiệp trong mùa dịch Covid-19, đến nay anh Nguyễn Hữu Thành đã trở thành ông chủ của 3 cơ sở kinh doanh ăn uống trong trung tâm thành phố Đà Nẵng. |
Thành công với quán hủ tiếu đầu tiên, trong năm 2022, anh Thành tiếp tục mở thêm 2 cơ sở mới, đó là quán Hủ tiếu mực ở đường Võ Văn Kiệt, gần bãi biển Mỹ Khê. Với sự hồi phục của ngành du lịch, anh hi vọng quán sẽ trở thành điểm đến hút khách đối với du khách.
Cơ sở thứ 3 của anh là quán bán bánh canh ghẹ nằm trên đường Lê Thanh Nghị.
“Có nhiều năm sống và làm việc tại Sài Gòn tôi mong muốn sẽ giới thiệu thêm nhiều món ngon Sài Gòn đến với thực khách Đà Nẵng hơn nữa”, anh Thành bày tỏ.