Quan hệ Việt – Trung duy trì xu thế phát triển ổn định

Bình Giang |

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022.

Quan hệ Việt – Trung duy trì xu thế phát triển ổn định - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm năm 2022. (Ảnh: TTXVN)

Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt: Tổng Bí thư hai Đảng trao đổi thư chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền Quý Mão 2023, trao đổi điện mừng cấp cao dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (ngày 18/1); Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 2/3) gửi điện chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhân dịp nhậm chức; lãnh đạo cấp cao ta (ngày 10 – 12/3) gửi điện mừng lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhân dịp được bầu tại Kỳ họp Lưỡng hội 2023; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi thư chúc mừng sinh nhật Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Uỷ viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.

Các chuyến thăm cấp cao được tích cực triển khai: Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân, Trung Quốc (25 – 28/6).

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, diễn ra vào thời điểm Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (6/2008 – 6/2023); có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hoá các nhận thức chung của hai đồng chí Tổng Bí thư, nhất là Tuyên bố chung tháng 11/2022 về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Hai bên đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, nhất trí trong nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước, góp phần tạo cơ sở vật chất quan trọng cho thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.

Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hoá Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên. Các cấp, các ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng dịch.

Thương mại - đầu tư tăng trưởng tốt

Về thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của ta đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%), ta nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%).

Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 59 tỷ USD.

Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 89,1 tỷ USD, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Về đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 233 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Luỹ kế đến ngày 20/6, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu FDI vào Việt Nam với 3.791 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25 tỷ USD.

Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam).

Từ ngày 15/3, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đến một số nước, trong đó có Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội - Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế.

Trong tháng 8/2023 ta đã đón hơn 212 nghìn lượt khách Trung Quốc, tăng 117% so với tháng 7/2023, đưa tổng số khách Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm lên gần 950 nghìn lượt khách.

Biên giới cơ bản ổn định

Tình hình biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định; các cơ chế trao đổi hợp tác, tuần tra chung giữa Hải quân, Cảnh sát biển hai nước trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ được duy trì. Năm 2022, hai bên tổ chức lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong Vịnh Bắc Bộ. Cơ quan chủ quản hai bên đang đàm phán ký mới Hiệp định nghề cá Vịnh Bắc Bộ.

Về vấn đề trên biển, hai bên tiếp tục duy trì các cơ chế trao đổi về các vấn đề trên biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại