Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện

QUỲNH TRUNG |

Tại cuộc họp báo sáng 3-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo ông và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi, đặc biệt khi hai nước đang hướng đến kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2017.

“Ngài Thủ tướng Ấn Độ Modi và tôi đã có cuộc hội đàm thực chất và hiệu quả trên tinh thần cởi mở và hữu nghị. Chúng tôi tái khẳng định việc coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ".

"Hai bên bày tỏ hài lòng trước những phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực hợp tác. Tôi đánh giá cao những ý kiến của ngài Thủ tướng Modi, thể hiện chính phủ Ấn Độ coi quan hệ với Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam thể hiện sự ủng hộ nhất quán đối với Ấn Độ trong việc triển khai chính sách hành động hướng Đông và Ấn Độ đóng vai trò to lớn hơn trong khu vực.

Hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhằm phản ánh sự phát triển sâu rộng trong quan hệ hai nước Việt Nam - Ấn Độ, phù hợp với lợi ích cơ bản, lâu dài đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước cũng như mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo hai bên nhất trí thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch thương mại hai chiều hơn 15 tỉ USD trước năm 2020.

“Chúng tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương hai nước có biện pháp quyết liệt để tạo môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ mọi rào cản, và tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hai nước,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng quy mô đầu tư vào các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, hạ tầng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp.

Việt Nam cam kết ưu tiên cao cho hợp tác trong lĩnh vực quan trọng khác như năng lượng nguyên tử dân sự, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, văn hóa, du lịch và đầu tư kinh doanh, khẳng định cam kết tăng cường kết nối hàng không, hàng hải, đường bộ giữa hai nước.

Về vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hai bên nhất trí tăng cường phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, như ASEAN và các diễn đàn liên quan.

“Chúng tôi cũng đã trao đổi những vấn đề liên quan đến Biển Đông và tái khẳng định mong muốn quyết tâm hợp tác nhằm tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông nói riêng và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Các bên kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại