Mặc dù phòng không Syria là lực lượng khai hỏa bắn hạ chiếc IL-20 chở 15 quân nhân Nga, nhưng Matxcơva khẳng định Israel mới là nguyên nhân gây ra thảm kịch hôm 17/9.
Sự kiện mùa xuân Ả rập năm 2010 đã làm bùng phát căng thẳng, biến Trung Đông thành nơi tranh giành lợi ích của nhiều bên. Tuy nhiên, Nga và Israel luôn tìm cách duy trì một mối quan hệ tốt đẹp mặc cho việc Tel Aviv là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ và Matxcơva vẫn tiếp tục có quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, 2 quốc gia thù địch với Israel.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, Tổng thống Putin đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới 3 lần. Ông Netanyahu hồi tháng 5 vừa qua cũng đã tới Matxcơva để tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga.
Đối với Nga, Israel không chỉ là một đối tác địa chính trị quan trọng với năng lực hạt nhân đáng kể nằm ở trung tâm khu vực hỗn loạn nhất thế giới, quốc gia Trung Đông này còn là nơi sinh sống của khoảng 1,3 triệu người sinh ra ở các nước hậu Xô Viết. Nhóm người này đóng vai trò quan trọng đối với Nga khi Matxcơva điều chỉnh cách tiếp cận Israel.
Các đợt tấn công Syria của Israel với mục đích kiềm chế ảnh hưởng của Iran cũng không dẫn tới bất cứ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nào trong quan hệ với Nga. Đương nhiên, Matxcơva vẫn đưa ra những tuyên bố chỉ trích, gọi những đòn tấn công của Israel không có sự đồng ý của Liên Hiệp Quốc là bất hợp pháp, nhưng chưa bao giờ thực sự mạnh tay để ngăn chặn những hành động này. Nga rõ ràng đang chấp nhận những lợi ích chiến lược của Israel trong khu vực.
Tuy nhiên, theo RT, cuộc tấn công vào Latakia hôm 17/9 có thể đẩy quan hệ giữa Israel và Nga leo thang lên mức căng thẳng. Bản thân Nga hôm 18/9 cũng khẳng định Tel Aviv đã có hành động khiêu khích, thù địch và Nga có quyền đưa ra các biện pháp đáp trả phù hợp.
"Có rất nhiều sự tin tưởng giữa hai bên. Nhưng hôm nay nó đã bị phá hoại nghiêm trọng", Yuri Barmin, một chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga nhận định.
Jonathan Spyer, chuyên viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Jerusalem gợi ý rằng nếu Nga muốn đáp trả, Matxcơva có thể cung cấp cho Damascus hệ thống phòng không tiên tiến, điều sẽ làm Israel phải đau đầu. Ông Spyer tin rằng việc Matxccơva đang tìm cách làm bạn với tất cả, từ Syria, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ tới cả người Kurd mới là căn nguyên của vấn đề.
Nhưng Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia Nga Franz Klintsevich cho rằng Nga đơn giản sẽ không sử dụng tới hạ sách này và Matxcơva căn bản sẽ không bao giờ xen vào cuộc chiến giữa giữa Isreal và các quốc gia khác.
"Người Nga không có nhiều đồng minh đến mức họ sẽ ném một trong số đó xuống dưới gầm một chiếc xe buýt như vậy", ông Yuri Barmin nhận định.
Theo giới quan sát, tuyên bố mới đây của Tổng thống Putin rằng vụ máy bay Nga bị bắn rơi là hậu quả từ chuỗi các thảm kịch vô tình cho thấy Matxcơva dường như sẽ không vì vụ việc này mà làm rạn nứt nghiêm trọng quan hệ với Tel Aviv
"Nga hiểu rằng họ chỉ có thể tự trách mình vì đã không giúp Syria cải thiện hệ thống phòng không, không thể nhận dạng được bạn hay thù", nhà phân tích người Nga Vladimir Frolov nói.
Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào một hệ thống phòng không lại có thể nhầm lẫn một chiếc máy bay trinh sát lớn với một tiêm kích. Theo ông Justin Bronk, chuyên gia nghiên cứu khoa học quân sự tại tổ chức tư vấn RUSI ở Anh đáp án nằm ở công nghệ.
Được thiết kế ở Liên Xô vào những năm 1950, S-200 không phải là một hệ thống vô dụng. Nhưng nếu hệ thống kiểm soát khai hỏa và radar không được nâng cấp, nó sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân biệt 2 mặt phẳng.
"Nếu Syria đang cố khóa máy bay phản lực của Israel trong các vùng lân cận có sự xuất hiện của IL-20, khi gặp các tín hiệu gây nhiễu, việc họ vô tình bắn hạ mày bay Nga là có thể hiểu được", ông Bronk phân tích.