Bài viết thể hiện quan điểm của Giáo sư Minxin Pei, Trường Claremont McKenna, chuyên gia cao cấp của Quỹ German Marshall.
Lời tuyên bố Chiến tranh Lạnh
Hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ "tạm dừng" cuộc xung đột khiến mối quan hệ xấu đi nhanh chóng đã tiêu tan, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm tới Bắc Kinh - chuyến thăm ngắn kỷ lục của một Ngoại trưởng Mỹ từ trước đến nay.
Thay vì xoa dịu mối quan hệ đang "rơi tự do" chuyến thăm đã trở thành dịp mà 2 nước liên tục dành cho nhau những lời cáo buộc mạnh mẽ nhất.
Chuyến thăm của Pompeo xảy ra vào thời điểm "đen đủi": 4 ngày trước khi ông đến Bắc Kinh, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có bài phát biểu cứng rắn với Trung Quốc đến mức đây được xem như một bước lùi trong quan hệ 2 nước.
Các nhà bình luận, cả ở Trung Quốc và phương Tây, thậm chí còn cho rằng, bài phát biểu này là tuyên bố chính thức của Mỹ về một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lo lắng trước thỏa thuận NAFTA mới với tên gọi chính thức là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) đã ký vào ngày 30/9.
Theo đó, Mỹ có quyền phủ quyết các thỏa thuận tự do trong tương lai nếu Canada và Mexico muốn tiếp cận với Trung Quốc.
Ngoài ra, hiệp định này còn quy định, quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Mỹ không được phép tìm kiếm hiệp định thương mại tự do với "nền kinh tế phi thị trường (Trung Quốc) mà không có sự đồng ý của Mỹ.
Các điều khoản "chống Rồng - Trung Quốc" này được thiết kế bởi các "diều hâu" thương mại của Washington sẽ được áp dụng cho các cuộc đàm phán trong tương lai với các nền kinh tế trọng điểm như EU, Anh và Nhật Bản, hứa hẹn là một vũ khí để cô lập Trung Quốc mạnh mẽ hơn.
Không bên nào lùi bước
Sau các cáo buộc dữ dội dành cho nhau, chuyến thăm của ông Pompeo cũng đánh dấu thời điểm các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy rằng chiến thuật có phần mềm mỏng không có tác dụng.
Ngay sau chuyến đi của Pompeo, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn cảnh báo, nước này đã bị nước ngoài bắt nạt nhiều lần trong lịch sử, nhưng không bao giờ chịu thua ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất.
Cuộc đua địa chính trị này có khả năng leo thang nguy hiểm. Về phía Mỹ, chính sách cứng rắn của Trump của Trung Quốc được hỗ trợ rộng rãi từ một liên minh lưỡng đảng từ các lĩnh vực an ninh, thương mại, nhân quyền…
Mặc dù các thành viên của liên minh này bị chia rẽ về các vấn đề khác, nhưng lại có quan điểm đồng nhất về vấn đề Trung Quốc: chính sách của Washington với Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua là một thất bại và Mỹ phải kiềm chế được Trung Quốc trước khi quá muộn.
Trong khi đó, thái độ của Bắc Kinh cũng đã thay đổi. Hiện giờ, cuộc tranh luận ở Bắc Kinh không còn là liệu Trung Quốc có nên đáp trả áp lực của Mỹ với các chiến thuật cứng hay mềm, mà là đòn phản ứng của Bắc Kinh sẽ khó khăn cho Washington ở mức nào.
Eo biển Đài Loan và Biển Đông thành điểm nóng?
Theo Giáo sư Minxin Pei, quan hệ Mỹ - Trung Quốc "rơi tự do" bắt đầu với sự cắt đứt các mối quan hệ thương mại
Giai đoạn thứ hai, sẽ rất có thể là cạnh tranh an ninh cao hơn hoặc thậm chí các cuộc va chạm quân sự nhỏ.
Nếu không còn các mối liên hệ thương mại, Washington và Bắc Kinh sẽ không còn lý do để hạn chế đối đầu quân sự. Sự cố như vụ va chạm gần đây giữa tàu khu trục Mỹ Decatur và tàu chiến Trung Quốc vào ngày 30/9 có thể trở nên thường xuyên và nguy hiểm hơn.
Xa hơn, cả hai nước sẽ tiếp tục làm suy yếu lợi ích an ninh của nhau. Mỹ có khả năng sẽ tăng cường các nỗ lực để thách thức sự kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông, hỗ trợ ngoại giao và quân sự cho Đài Loan chắc chắn sẽ tăng lên.
Để trả đũa, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hỗ trợ cho Triều Tiên và ngăn cản nỗ lực của ông Trump nhằm từ bỏ Bình Nhưỡng. Iran, một quốc gia đối địch của Mỹ, cũng có thể nhận được thêm sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.
Lịch sử cho chúng ta biết rằng một trạng thái cân bằng tương đối ổn định trong cuộc cạnh tranh về an ninh có thể không đạt được cho đến sau một cuộc khủng hoảng lớn. Đối với Trung Quốc và Mỹ, câu hỏi lớn nhất là liệu có xảy ra cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan hay một cuộc xung đột hải quân ngẫu nhiên ở Biển Đông trước khi hai nước nhận ra rằng cần đạt được một thỏa thuận hay quan hệ song phương sẽ bị phá hủy.