Quan hệ 2 bên rạn nứt, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục “dọa” châu Âu

Phạm Hà |

Phía Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa trả các tay súng IS ở Syria về nước và để hàng triệu người tị nạn tràn vào châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/11 tuyên bố sẽ trao trả các tay súng của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria về nước, đồng thời chỉ trích việc châu Âu không hành động trong vấn đề này.

Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước cũng cảnh báo sẽ để hàng triệu người tị nạn tràn vào châu Âu, đánh vào“ điểm yếu” của khối trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai bên chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho rằng việc châu Âu để mặc Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết các vấn đề liên quan tới tù nhân từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Syria là không thể chấp nhận được. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định sẽ trao trả các đối tượng này.

Phát biểu trước báo giới, ông Suleyman Soylu cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ không phải là khách sạn cho bất cứ thành viên IS nào. Đây là điều không thể chấp nhận được. Chúng ta đã có các thỏa thuận và nhấn mạnh về điều khoản sẽ trao trả các tay súng này. Tuy nhiên các nước châu Âu đã áp dụng biện pháp mới đó là tước quyền công dân của những tay súng IS. Các nước chỉ nói rằng tôi đã tước quyền công dân của họ và bây giờ là vấn đề của chúng tôi. Đây là một tuyên bố vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được”.

Theo một số nguồn tin có khoảng 10.000 tù nhân quốc tế hiện đang bị giam giữ tại phía bắc Syria, trong đó có khoảng 2.500 tay súng IS bị nghi ngờ đến từ châu Âu và một số khu vực khác của thế giới. Đây đều là các tù nhân rất nguy hiểm. Với việc châu Âu thời gian qua đã phải đối mặt với hàng loạt các vụ tấn công khủng bố thì việc tiếp nhận các công dân IS trở về nước sẽ là một thách thức không nhỏ. Nhiều nước đã công khai từ chối việc tiếp nhận các công dân này.

Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, sẽ “vô cùng khó khăn” khi tiếp nhận những công dân châu Âu từng tham chiến cho IS tại Syria. Trong khi đó, Pháp luôn giữ quan điểm cứng rắn rằng, các công dân của nước này, nếu đã tham gia hoạt động của IS tại Syria và Iraq, phải bị xét xử tại nước họ phạm tội. Bộ Tư pháp Pháp cũng khẳng định không chịu nhượng bộ trước bất kỳ sức ép nào và sẽ duy trì chính sách cho phép trở về nước đối với từng trường hợp cụ thể. Giới quan sát cũng cho rằng để xác định quốc tịch của các tay súng IS là một điều vô cùng khó khăn trong khu vực đang có chiến sự, bởi vì thiếu các Đại sứ quán châu Âu cũng như Hiệp ước dẫn độ để giải quyết vấn đề.

Là cửa ngõ cho người tị nạn vào châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ luôn hiểu rõ lợi thế của nước này trong việc gia tăng sức ép lên EU, từ việc thúc đẩy tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu đến việc ngăn chặn các nước này có hành động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ .

Tổng thống Erdogan tháng trước cũng được cho là sử dụng con bài người tị nạn, với cảnh báo sẽ để hàng triệu người di cư tràn vào châu Âu nếu EU phản ứng mạnh với chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại phía đông bắc Syria. Cảnh báo này được cho là có tác dụng khi EU lên tiếng phản đối mạnh chiến dịch quân sự, nhưng biện pháp phản ứng đưa ra chỉ rất giới hạn với một số nước ngừng cung cấp vũ khí mới cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy vậy có thể nói mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ là mối quan hệ cần thiết và đôi bên cùng có lợi. Nhiều nước châu Âu đã bắt đầu có thái độ mất kiên nhẫn với chiến thuật “đe dọa và cảnh báo” của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte mới đây cho rằng EU không thể chấp nhận mãi các tối hậu thư của Thổ Nhĩ Kỳ và khối này cần phải đưa ra lập trường chung chống lại các mối đe dọa, trong khi Bộ trưởng Hà Lan Stef Blok cũng khẳng định EU không nên bị mắc kẹt mãi trong các tối hậu thư của Thổ Nhĩ Kỳ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại