Mô tả đây là "sai lầm bi thảm", Lầu Năm Góc đã chính thức lên tiếng xin lỗi.
Theo các sĩ quan cấp cao của Mỹ, vụ tấn công bằng máy bay không người lái hôm 29/8 nhằm vào một kẻ đánh bom liều chết thuộc lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan. Kẻ này được cho sắp tấn công sân bay Kabul, nơi quân đội Mỹ và đồng minh đang tiến hành những nỗ lực cuối cùng nhằm sơ tán công dân của họ cũng như đưa những người Afghanistan từng giúp đỡ Mỹ rời khỏi đất nước.
Tướng Frank McKenzie, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ - đơn vị phụ trách ở khu vực có Afghanistan, nói rằng: "Vào thời điểm vụ tấn công xảy ra, tôi tin rằng nó đã ngăn chặn được mối đe dọa sắp xảy ra với lực lượng của chúng tôi ở sân bay. Cuộc điều tra sau đó cho thấy đó là một sai lầm bi thảm".
Ông McKenzie cho biết ông tin rằng những người thiệt mạng không có liên quan gì tới ISIS-K, các Mỹ gọi IS tại Afghanistan. Lầu Năm Góc đang xem xét bồi thường cho những người thiệt mạng.
Zamurai Ahmadi (giữa) đang xin thị thực Mỹ cho gia đình 6 người của mình trước khi vụ tấn công xảy ra. Anh là nạn nhân trong vụ không kích mà Lầu Năm Góc mô tả là sai lầm bi thảm.
Báo cáo chính thức của Lầu Năm Góc được đưa ra nhiều ngày sau khi xuất hiện các nghi vấn về vụ không kích. Trái ngược với tuyên bố ban đầu rằng không có thương vong dân sự, truyền thông phát hiện ra nhiều người thiệt mạng, điều sau đó quân đội Mỹ mới thừa nhận. Lầu Năm Góc đã thay đổi báo cáo và tiến hành một cuộc điều tra.
Vụ không kích ngày 29/8 nằm trong số 2 vụ không kích mà Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiến hành để trả đũa khủng bố. Trong vụ không kích trước, máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt kẻ được cho là lên kế hoạch vụ khủng bố sân bay, khiến 13 lính Mỹ và ít nhất 170 thường dân Afghanistan thiệt mạng.
Ngay sau vụ khủng bố trên, Tổng thống Biden tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không tha thứ. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ truy lùng và bắt các người phải trả giá. Chúng tôi sẽ đáp trả bằng vũ lực với đòn tấn công chính xác vào thời điểm, địa điểm mà chúng tôi lựa chọn".
Tuy nhiên, theo CNN, nạn nhân trong vụ tấn công thứ 2 là Zamurai Ahmadi và gia đình anh. Người đàn ông hơn 40 tuổi này đang làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ suốt 15 năm qua. Anh ta và gia đình đang xin visa đến Mỹ sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước Afghanistan.
Ngày 14/9, CNN cũng công bố phóng sự điều tra, trong đó cho thấy Ahmadi hoàn toàn không có khả năng là kẻ khủng bố. Trong ngày định mệnh, người đàn ông này vẫn đi làm, thậm chí còn đưa đón các đồng nghiệp khác. Không hiểu vì lý do gì mà chiếc xe của ông bị nhầm thành phương tiện của khủng bố.
Trước đó, Mỹ cũng khẳng định rằng có vụ nổ thứ cấp, với sức công phá lớn gấp nhiều lần so với đầu đạn chứa 9kg thuốc nổ của quả tên lửa Hellfire mà máy bay không người lái bắn vào chiếc xe. Tuy nhiên, hình ảnh mà CNN ghi nhận tại hiện trường lại không thấy các phương tiện và bức tường gần đó bị phá hủy. Các chuyên gia chất nổ cũng khẳng định, dựa vào bằng chứng mà CNN cung cấp, không có bất cứ vụ nổ thứ cấp đáng kể nào xảy ra.ư
Bản thân lực lượng ISIS-K cũng phủ nhận Ahmadi có mối quan hệ với họ. Lực lượng này cũng cho biết vụ tấn công thứ 2 nhằm vào sân bay sử dụng rocket, được phóng từ bệ phóng di động đặt trên chiếc xe giống của Ahmadi, một chiếc Toyota Corolla.
Taliban cũng khẳng định họ không có bằng chứng cho thấy Ahmadi liên quan tới khủng bố. Dù cùng ở bên kia chiến tuyến với Mỹ nhưng Taliban và ISIS-K không những không là đồng minh mà còn là kẻ thù của nhau.