Những phi công lái chiến đấu cơ luôn phải hiểu rõ chiếc máy bay của mình, phải có kết nối chặt chẽ với nó. Giờ đây, sự kết nối này có thể được nâng lên một tầm cao mới nhờ một nhóm các nhà nghiên cứu và bác sĩ Úc.
Từ 4 năm trước, nhóm các nhà thần kinh học và kỹ sư của trường Đại học Melbourne đã phối hợp với các bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Hoàng gia Melbourne để phát triển một hệ thống điều khiển bằng não hiện đại có thể dễ dàng cấy ghép vào phi công.
Cơ quan quân sự DARPA đã đồng ý tài trợ cho dự án này với hy vọng nó có thể giúp phi công điều khiển chiến đấu cơ bằng ý nghĩ.
Stenode
Trái tim của hê thống điều khiển bằng ý nghĩ này chính là một điện cực tương thích sinh học nhỏ gọi là “stenode”.
Stenode có đủ độ linh hoạt để đi qua các mạch máu và hoạt động khi đến đúng vị trí. Các điện cực sẽ đo mức hoạt động điện từ vỏ não vận động (motor cortex), một bộ phận của não chịu trách nhiệm điều khiển cử động của cơ thể.
Hoạt động điện này được ghi lại và truyền vào một hệ thống máy tính có thể giải mã được các hoạt động đó và chuyển thành lệnh điều khiển các thiết bị.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thành công việc cấy hệ thống này vào những con cừu và đã thu thập được 190 ngày dữ liệu hoạt động não của chúng.
Tiến sĩ Tom Oxley
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Tom Oxley cho rằng tương lai hệ thống điều khiển bằng não bộ này có thể tương tác được với smartphone, robot, và nhiều hơn nữa trong vòng 30 năm tới.
Nhận thấy tiềm năng của công nghệ này, DARPA muốn sử dụng nó để cải thiện khả năng của các phi công lái máy bay chiến đấu.
“Quân đội có vẻ rất hứng thú với việc các phi công có thể điều khiển máy bay chiến đấu trực tiếp bằng ý nghĩ thay vì bằng tay. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian phản ứng của phi công”, Oxley cho biết.
DARPA cũng đang có kế hoạch sử dụng stenode để phục hồi chức năng cho thương binh bằng cách cho phép họ điều khiển các khung xương trợ lực bằng ý nghĩ.
Tham khảo: digitaltrends